Tấm Gương




Chị không thấy tôi đang nằm ngủ trong phòng, phía sau bức bình phong. Tiếng chân bước nhè nhẹ, giọng nói hồi hộp, dịu dàng của chị làm tôi tỉnh giấc:

- Anh yêu!...

Chị trần truồng đứng trước tấm gương lớn, thân thể ngời sáng trong ánh nắng ban mai. Ngỡ ngàng nhìn cặp mắt, đôi môi của mình, chị mỉm cười, nhíu mày, ngắm nghía mái tóc vàng cắt ngắn, đưa những ngón tay vuốt ve cái cổ mảnh mai, đôi bầu vú nhỏ xinh, dường như chị đang nín thở tận hưởng cái vuốt ve của người khác trên người mình, lát sau chị mỉm cười gọi “anh yêu” trong tiếng thở dài, rồi chị ưỡn cong người, vòng hai tay ra sau ôm lấy gáy, tôi thấy rõ cặp vú nhô cao cùng hai gò nách mầu tối.

Vẻ tột cùng mê đắm và đau đớn đến khó hiểu, chị nhắm nghiền mắt, lặng lẽ ép người vào tấm gương, chìa môi mình đón đợi nụ hôn của cặp môi hé nở trong gương. Mặt gương mờ đi vì hơi thở, nhưng chị vẫn áp miệng vào đó hôn chính mình, dõi theo cái đụng chạm trong gương qua hàng mi khép hờ. Lát sau tôi nghe tiếng chị thì thầm:

- Sao lại thế? Sao lại thế?...Khiếp quá...

Chị tự hỏi mình, không, chị hỏi người ấy, cái người trong gương, rồi phó mặc tất cả, chị lại thả mình vào vòng ôm của của người ấy, tin chắc chẳng có ai nhìn thấy mình, một nữ thần trần truồng, chẳng thẹn thùng, rạng ngời nét trinh trắng thanh xuân, đang bối rối trước vẻ hoàn thiện của cơ thể đàn bà, trước một điều gì đó mới mẻ, không sao tránh khỏi liên quan tới con người thứ hai trong tấm gương kia.

Khi đó, cái thơ ngây con trẻ trong tôi lần đầu tiên xốn xang vì bí mật vừa khám phá về yếu điểm của đàn bà, về chuyện yêu đương mà người con gái kia chưa từng nếm trải nhưng đang khao khát. Chị ấy muốn thấy mình thế nào khi ân ái, còn tôi, ngượng chín người, và không hiểu sao thấy ghê tởm cái con người thứ hai phản chiếu trong gương, liền kéo chăn chùm kín đầu, chịu nóng và ngạt, lòng hoang mang bởi màn kịch hãi hùng và ma lực của thân thể trần truồng.

Tôi bừng tỉnh vì tiếng thì thầm hốt hoảng:

- Mày thức à? Mày thức phải không?

Cái chăn bị giật phắt khỏi đầu tôi. Chết lặng trước mầu trắng của bộ ngực ngay sát trước mắt, trước bộ mặt cau có tức giận và đôi mắt mở to tóe lửa tôi hiểu chị đã phát hiện ra mình. Như hóa đá, tôi câm lặng, muốn chết vì nhục nhã.

- Vừa nãy mày thức phải không, thằng ranh con? Mày nhìn thấy chứ gì? - chị cúi xuống hỏi, ánh mắt tối đen nỗi sợ hãi soi thẳng vào mắt tôi. Tôi có cảm giác chỉ một phút nữa thôi mình sẽ chết ngất vì giọng nói của chị, vì những nụ hôn lên gương lúc nãy, vì những vòng ôm chẳng thẹn thùng, vì mùi cỏ non dìu dịu toả ra từ mái tóc óng vàng đang xõa xuống mặt tôi.

- Thằng ôn con, mày thấy tao trong gương đúng không? - chị tức tối nhắc lại, đôi mắt nheo nheo nghi ngờ, hàng mi chớp bối rối – Nghe đây, thằng quỷ, đấy là mày ngủ mơ, ngủ mơ! Mày ngủ mơ...

Chị véo tai tôi đau điếng, rồi cắn chặt môi để khỏi oà khóc, chị chạy vụt sang phòng bên. Cổ họng nghẹn đắng vì hổ thẹn, khi đó tôi đã biết khắc ghi vào lòng rằng thật nguy hiểm nếu vô tình chứng kiến bí mật của người khác, cái bí mật không thể kí thác cho ai ngoài tấm gương trong căn phòng tĩnh lặng.

Nó, một chiếc gương cổ cỡ lớn, kê giữa hai cửa sổ, được ánh sáng trong lành lọt qua vòm lá ngoài sân chiếu sáng nên có độ nét và chiều sâu đặc biệt, luôn lôi cuốn tôi nhưng đồng thời cũng làm tôi tránh xa bởi một linh cảm sợ hãi. Bằng một sức mạnh siêu nhiên nào đó nó buộc ta tuân theo bản năng tò mò, và nhiều lần trong những năm tháng ấu thơ nó đã đẩy tâm hồn tôi đối mặt với những bí mật của người khác. Đến tận bây giờ tôi vẫn ngạc nhiên không hiểu vì sao tất cả những ai đến gặp ba tôi ở căn hộ nhỏ của gia đình ở Iakimanka, dù là bạn bè hay người quen sơ sơ, đều để ý ngay tới chiếc gương này, và họ có thể dừng lại đó vài phút liền. Sau lần vô tình thấy chị họ trước gương, tôi thấy khó chịu ngay cả khi nhìn mẹ sáng sáng ngồi chải tóc bên chiếc gương, như thể khuôn mặt thân quen đến từng đường nét kia có thể biến dạng trong tấm gương và mách bảo tôi một điều gì đó khác thường, không còn là của mẹ, hạ thấp mẹ.

Tuy vậy, tôi chỉ thực sự ghê tởm và lánh xa chiếc gương ấy khi ở nhà tôi xuất hiện một người bạn cũ của ba đến từ thành phố Sverlovsk. Ngày trẻ ba tôi và bác ấy cùng tham gia thành lập chính quyền cách mạng ở Ural. Bạn ba lúc này đang làm việc ở một công trường xây dựng, bác ấy đột ngột đáp chuyến tầu tối đến, chẳng hề viết thư hay đánh điện báo trước. Người đàn ông đó mặc một chiếc áo da, đi ủng, cái áo khoác ngoài sặc sụa mùi toa xe đông người, mùi những ga tầu xa xôi hẻo lánh. Cùng thứ mùi hỗn tạp ấy bác mang vào nhà tôi một cơn lạnh âu lo thoáng hiện ra trên cặp mày nhíu lại của ba, trên gương mặt tái đi của mẹ.

Đóng chặt cửa lại, ba và bác ấy nói chuyện suốt đêm. Họ nốc rượu vodka, gầm gừ những tiếng thì thầm lạc giọng. Tôi hình dung thấy bạn ba khóc ghê lắm, tiếng khóc đùng đục, vụng về, ấm ức. Hình như bác ấy van xin điều gì khi nhắc đi, nhắc lại tên ba “Mitia, Mitia, cậu hãy hiểu cho tớ...”. Tôi nhớ rõ giọng ba lạnh lùng phán xét rít lên trong khoảng yên lặng hoá đá ngắn ngủi đó: “Không, Stepan, không gì biện minh cho cậu được...”

Tới gần sáng mẹ mới bước vào phòng tôi, mệt mỏi, rầu rĩ bà trải đệm cho khách ngủ trên đi-văng, đôi lúc lại bối rối nhìn ra cửa nơi có tiếng hai người tiếp tục quát tháo.

Tôi nằm im không dám nhúc nhích, cũng không ngủ hẳn được. Chập chờn trong cơn buồn ngủ dinh dính như mạng nhện lòng tôi mơ hồ nhói đau . Tôi linh cảm thấy ở phòng bên có một chuyện gì đó rất khủng khiếp, vô cùng nguy hiểm liên quan tới gia đình mình, ba mẹ mình. Mối nguy hiểm chết người đó do chính vị khách chiều nay, người bạn chiến đấu năm xưa của ba mang tới, con người đó giờ đang tấm tức khóc đằng sau cánh cửa.

Chẳng mấy chốc tôi chìm hẳn vào giấc ngủ, khi tỉnh dậy căn phòng đã ngập tràn ánh sáng, và có ai đó đang đi đi lại lại phía sau bức bình phong, ông ta rên rỉ, nghiến răng kèn kẹt, nấc lên liên tục như đang chịu nhục hình. Người đó là bạn ba. Chỉ mặc độc đồ lót, chân đi đất, thô kệch như con bò mộng, bác ấy cứ lao từ góc phòng này sang góc phòng khác, đụng lung tung vào bàn ghế, hai bàn tay ôm lấy bộ mặt to bè, thô kệch, đờ đẫn vì say xỉn. Tôi có cảm giác bác ấy muốn gào thét, khóc rống lên, nhưng chỉ nghe thấy những âm thanh ùng ục như tiếng súc vật thoát ra từ cổ họng bác. Một lát sau, bác ấy bắt đầu lầm bầm những câu không đầu không cuối, hình như lời nguyền độc địa, tôi bỗng thấy sợ hãi khi nhìn vẻ tuyệt vọng đến mất trí đó.

-Trời ơi! - bác ấy bỗng cao giọng, rành rọt làm tôi giọng bắn mình - Trời ơi! - bác nhắc lại. Tấm thân đồ sộ trong bộ đồ lót dừng lại trước chiếc gương, bác ấy bắt đầu ngắm nghía bộ mặt thô kệch, ướt đẫm nước mắt, nhăn nhúm bởi vẻ thành tâm thảm hại của mình. - Tớ không có lỗi... Tớ không muốn thế...Mitia, tớ không hề muốn...

Bác ấy đứng sát tấm gương, hai tay ôm lấy má, lắc lư người như mụ nhà quê gặp khổ đau, rồi bác chớp mắt, khóc nghẹn ngào như thể đang diễn cho mình xem lớp tuồng đau đớn khôn cùng này. Thật quái gở khi phải nhìn vẻ giả vờ thật sự tuyệt vọng, và ý muốn diễn tả, rồi tự ngắm cơn tuyệt vọng của mình trong gương. Đó là cái gì vậy? Xót thương bản thân? Cơn điên xám hối? Hay sự giải thoát cho tội lỗi trong tâm hồn? Ai hiểu nổi những khóc khuất trong tâm hồn con người này? Chỉ biết khi ấy bác ấy cứ nghiêng mặt bên này sang bên kia, mếu máo, há hốc mồm, rồi đắm chìm trong tiếng rên rỉ, trong tiếng nấc thổn thức bác khép chặt hàng mi, ép những giọt nước mắt trào ra, chảy dài trên gò má. Bác thở dốc lên, cay đắng, uất ức thầm thì điều gì đó với tấm gương.

Sau đó tôi thấy bác ấy quỳ thụp xuống, quên đi chính mình, nghiêng nghiêng bộ mặt biến dạng vì mê man thú tội, bác đưa cặp mắt trố man dại nhìn hút vào cái hình ảnh thứ hai đang lắc lư nhại lại như hề trong gương, bác van vỉ, giọng khản đặc:

-Trời ơi, hãy tha thứ cho tớ!.. Mitia, cậu tha cho tớ... hoặc giết tớ đi!... Tớ là kẻ đểu cáng, đểu cáng, đểu cáng!...

Sau một hồi nức nở, bác lết đến đi-văng, ngã sấp xuống đó, lẩm bẩm hồi lâu với chiếc gối những lời mê dại khó hiểu. Một lát sau bác bắt đầu ngáy, tảng lưng rộng, gồ ghề của bác nhấp nhô theo tiếng ngáy khò khè, nặng nhọc.

Tôi không rõ buổi sáng bác ấy ra đi như thế nào, vì tới giờ này tôi vẫn không biết ba có tiễn bác không, hay bác bỏ đi chẳng chào hỏi ai, trốn tránh những giây phút cuối cùng lúc con tầu chuyển bánh, lẩn tránh những lời cuối cùng đêm trước còn chưa nói.

Bằng linh cảm con trẻ tôi đoán biết vị khách không mời kia đã phản bội tình bạn của ba, đã đem đến nỗi sợ hãi bí ẩn, xót xa làm thay đổi hẳn đời sống gia đình tôi. Ba trở nên im lặng khó hiểu, buổi tối mỗi khi ngồi ăn cơm, ba lơ đãng lắng nghe tiếng sập cửa ngoài cổng, và đêm đêm, nhiều lần tôi thức giấc vì tiếng chuyện trò thì thầm ở phòng bên, qua khung cửa mở rộng tôi thấy bóng ba mẹ mờ mờ dưới ánh trăng, họ đứng đó, bên cửa sổ, cạnh tấm rèm, nhìn vào bóng tối mùa hè nhập nhoạng ngoài sân. Ngoài đó hình như có tiếng chân người bước trên mặt đường vắng lặng, tiếng sập cửa ô-tô, tiếng động cơ khởi động lạc lõng trong đêm yên tĩnh, tiếng máy nổ xa dần rồi mất hút trên đường phố. Lúc ấy ba luống cuống đánh diêm châm thuốc (ánh lửa bùng lên, rồi tắt ngấm trong gian phòng), còn mẹ thở dài nhẹ nhõm ôm lấy ba, hôn lên má. Còn đó rất rõ trong tâm trí tôi ánh trăng đục như sữa đổ khắp sàn nhà, tiếng sột xoạt phòng bên, tiếng thì thầm vỗ về của mẹ.

Tôi căm ghét chiếc gương đó, nó chứa đựng quá nhiều, biết quá nhiều khi dùng trò chơi kì quái bóc trần tâm hồn con người, xé toạc lớp vỏ bọc che đậy kẻ song hành, trong nó có phép mầu kì lạ có thể lật tẩy đời sống thứ hai giấu kín. Suốt những năm tháng thơ ấu chiếc gương luôn làm tôi sợ hãi vì sự tàn nhẫn của nó, bởi tôi đã thấy trong đó bộ mặt con người không đẹp như ta mong muốn, thấy trong đó nụ cười e ấp, cái nhíu mày mê dại, cái cổ mảnh mai...

Nó là con người song hành của tôi, hiện hình trong không gian phẳng, là hình ảnh của sự thật, không tô vẽ, và những gì tự nhiên bản năng – Nhận thức con trẻ đầy bi quan về kiếp người trong tôi phủ đầy tiếc nuối cho cái đẹp và sự hoàn mỹ. Khi nào là tôi, và khi nào tôi không còn là tôi? Kẻ nào theo dõi tôi từ đáy sâu tấm gương dai dẳng đến vậy?

Bây giờ tôi vẫn có cảm tưởng tấm gương biết về ta nhiều hơn ta biết về nó, và nó có một sức mạnh huyền bí và nghiệt ngã, sức mạnh của sự thật, sức mạnh của lời cảnh báo phũ phàng về kết cục cuối cùng mọi nẻo đường đời.

Nếu một sáng trở dậy, bắt gặp trên khuôn mặt kẻ song hành của mình vẻ nhợt nhạt mệt mỏi, nụ cười héo hắt trước trải nghiệm buồn, hay những nếp nhăn mới xuất hiện quanh mắt, liệu bạn có nghe thấy những tiếng chuông xa đang róng lên mỗi lúc một réo rắt, gấp gáp và chua xót hơn không?

Dịch từ tập "Những khoảnh khắc" của Iuri Bondarev
Sông Đà 06.08.86

Nhận xét

  1. Em comment thử xem sao thôi nhé.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Em đã thấy thư mời tham gia blog chung chưa? Bấm vào đường link sau khi đăng nhập là sẽ được dẫn tới đó.

      Xóa
  2. Em nhớ là em đã bấm vào thư mời tham gia blog chung rồi mà, giờ em bấm lại thì thông báo đã hết hạn, google bảo nhờ họ gửi 1 thư mời khác, ôi rắc rối quá đi mất.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Em đã hoàn thành rồi. Tên Rất Huế đã xuất hiện trên blog chung. Bây giờ em có tới 3 blog. Thử copy một bài tâm đắc nhất đã viết lên blog chung để báo cáo kết quả học tập xem sao.

      Xóa
  3. Dạ, cho em khất vài bữa nữa, mọi cái mới quá nên hơi e dè.

    Trả lờiXóa

Đăng nhận xét