Người đàn bà che ô

Photobucket

 
Dịch từ tập "Những khoảnh khắc" của Iuri Bondarev

Mưa thu giăng mờ bụi nước. Bên cạnh quầy báo tăm tối có một thiếu phụ che ô đứng chờ, bàn chân trong chiếc bốt đen ghếch lên phía trước, khuôn mặt chị mờ mờ trong bóng tối, tôi có cảm giác nó đượm một vẻ mệt mỏi.

Chưa kịp nhìn kĩ chị, tôi bất chợt thấy ngực mình lạnh buốt (“Ờ nhỉ, sao tôi bỗng thấy lạnh?”), tôi rời khỏi hàng cột ga tầu điện ngầm, tiến tới quầy thuốc lá lung linh ánh đèn. Mua xong bao thuốc, tôi châm một điếu và lén nhìn khuôn mặt người thiếu phụ khi ngang qua chỗ chị đứng. Chị thờ ơ nhìn lướt qua tôi. Tôi kịp thấy rõ cặp lông mày cong cong mềm mại và đoán chị chừng ba mươi tuổi, chắc đang sống độc thân (hoặc ly hôn), và giờ này đang nóng lòng chờ ai đó dưới cơn mưa buồn chiều Moscow.

Còn tôi chờ ai? Chẳng ai cả! Trên những con phố chiều, tôi chạy trốn khỏi cảnh trơ trọi chán ngắt trong căn hộ độc thân của mình, nơi có vô số những cuốn sách thông thái cùng hàng chồng bản thảo, nhưng từ lâu lắm rồi thiếu vắng hơi ấm đàn bà phảng phất mùi nước hoa, không còn tiếng y phục xột xoạt. Tôi chạy trốn, tìm đến ánh đèn vàng mùa thu heo hắt, tiếng rì rào của hàng phong, tiếng lá xao xác mặt đường, tìm đến dòng người hối hả trên sân ga tầu điện ngầm, và những giọng người xa lạ. Tôi hoàn toàn tự do, hoàn toàn độc thân. Thứ hạnh phúc đến xót lòng. Tôi thưởng thức cái tự do đó, uống say nó. Bốn năm trước, khi ly hôn tôi chia tay vợ mình (thật không chịu nổi mỗi khi nhớ lại cuộc chia ly ấy). Tới tận giờ này hình ảnh nàng vẫn đậm nét trong tôi, thỉnh thoảng trong đêm, lúc thiu thiu ngủ tôi vẫn quờ tay về phía ấy, nơi thân quen thấy cơ thể vợ ấm nóng và ngái ngủ.

Nhiều năm rồi, vào những buổi chiều đằng đẵng tiết lập đông tôi sợ hãi đến hoảng loạn bầu không khí chết lặng cùng vẻ học giả trong căn hộ hoang vắng của tôi. Không, ở đó vẫn rực rỡ ánh điện, rực rỡ đến giả tạo vì tôi bật đèn ở tất cả các phòng. Ở đó yên tĩnh và ấm áp, nhưng bao trùm khắp mọi phía là cái côi cút lạnh lẽo, đến mức tiếng giá gỗ nứt khẽ, tiếng vòi nước giọt xuống trong bếp cũng làm tôi giật mình.

Điện thoại nằm im lìm, một không khí câm lặng tật nguyền toả ra từ đó. Buổi tối nó cứ câm tịt, còn những hồi chuông công việc buối sáng chỉ làm tôi phát điên. Tôi khát khao đến cháy lòng được nghe, dù chỉ một lần tiếng chuông điện thoại và giọng nói hằng mong đợi của nàng trong ống nghe. Tôi sẵn lòng tha thứ tất cả, miễn là nàng gọi tên tôi, cười rúc rích rồi thầm thì dịu dàng như ngày nào còn bên nhau: “Chàng ngốc đáng yêu của em” - những lời không thể quên từ xa xôi ngày nào đến giờ vẫn làm tôi choáng váng.

Tới giờ này tôi vẫn không hiểu vì sao chúng tôi chia tay nhau. Chính xác là nàng bỏ tôi. Hàng giờ liền tôi dầm mình trong mưa, lang thang khắp quảng trường như thể chờ ai đó (lâu rồi, như là ở cuộc đời khác kia tôi đã từng chờ nàng trước cửa rạp hát). Hàng giờ liền, tôi cứ ngỡ mình sắp thấy nàng bước ra từ dòng người trôi dưới quầng sáng điện, thoát ra qua những cánh cửa đóng mở liên tục kia. Thoạt đầu tôi nhận ra chiếc mũ quen thuộc, cái cổ áo khoác bẻ dựng lên cẩu thả, chiếc sắc vắt qua vai lúc lắc bên sườn, rồi nụ cười dành cho tôi - một nụ cười có chút đa tình, nhưng cũng rất con trẻ: “Ôi, chàng hiệp sĩ nhẫn nại!”. Lâu rồi, có lần một anh bạn thời trẻ bảo tôi rằng có khi cả trăm người đàn bà gặp trên phố chẳng mảy may làm mình để ý, nhưng đến người thứ một trăm linh một, không hiểu bằng một thứ quyền lực nào lại bắt ta ngoảnh lại, dõi theo cô ta.

Tôi chưa bao giờ giải thích được với chính mình tại sao trong lòng một gã đàn ông nhút nhát như tôi lại ngập tràn nỗi ghen tuông thầm kín, nỗi xót xa bất lực, hay cảm giác tiếc nuối ngọt ngào khi bắt gặp trên phố bóng dáng những phụ nữ tóc vàng, với làn tóc thả dài hay quăn sóng như trinh nữ phương Đông cổ đại (là sử gia, nên tôi có có thể hình dung ra điều này), hay khi nhận thấy một cái gì đó vừa bí ẩn, vừa nữ tính trong cái liếc mắt, nơi thon thả eo lưng, trong làn tóc gió xoà che khoé miệng, khuôn mặt nhợt nhạt, nụ cười e thẹn hay giọng nói quá đỗi dịu dàng ... Ôi, những thở than chết tiệt.

Dù chẳng hề tiếc nuối, và lần nào cũng xót xa, tôi vẫn mải miết tìm kiếm ở những phụ nữ gặp trên phố chút xíu bóng dáng đời mình, dù đó là mảnh buồn quá khứ, nỗi bâng khuâng của một thời đã mất, để nó đưa tôi trở lại với tình yêu si mê dành cho vợ, về với nỗi đau âm thầm của kí ức. Ngay sau đó tôi lại cười nhạo chính mình, và tự hỏi: biết đâu đấy, nàng - người đàn bà tràn trề sức sống đến nổi loạn - bỏ mi vì mi chỉ là một kẻ gàn dở, cổ lỗ, mi đã làm nàng chán ngấy vì thứ tình yêu lãng mạn, thuần khiết đến ngu ngơ.

Người thiếu phụ cầm ô đứng đợi chờ ai đó bên quầy báo kia chẳng giống vợ tôi chút nào, cho dù tôi không đủ can đảm để ngắm chị thật kĩ.

Cơn mưa tháng Mười vẫn lất phất bay, bay mãi, con đường dưới ánh điện loáng ướt như tráng mỡ, khoảng sân quảng trường ga tầu điện ngầm loang loáng như một tấm kính mầu đen, gió lạnh ẩm ướt lùa qua, người thiếu phụ khẽ nghiêng ô che ngọn gió táp vào mặt. Lát sau, hơi thu người lại chị cẩn thận dựng cao cổ áo khoác lên. Tôi nhìn rõ bàn tay đeo găng mầu đen, bất giác tôi ao ước được áp môi mình hôn lên đó.

Cử chỉ ấy sao mà yếu ớt, trong giây lát tôi cảm nhận được hết cái buốt giá mà chị phải chịu đựng khi đứng dưới cơn mưa giá lạnh cả tiếng đồng hồ. Cùng với người phụ nữ đang co ro, run rẩy vì lạnh kia, tôi cũng thấp thỏm lo âu bởi sớm hay muộn cũng tới lúc đó, lúc con tầu chạy ngầm trong lòng đất đưa anh ta tới sân ga này. Chiếc thang cuốn sẽ đưa anh ta bước lên quảng trường. Rồi với vẻ của kẻ vô tình trễ hẹn, anh ta đến bên người thiếu phụ lạnh cóng vì nhẫn nhục chờ đợi, gạt chiếc ô sang một bên, cười cười nhìn vào đôi mắt đang ngước lên của chị. Tôi hình dung thấy chị áp môi mình vào môi anh ta (cái cử chỉ ấy gợi lên sự gần gũi xiết bao), rồi chị luồn tay vào khuỷ tay anh ta, và họ sẽ bước đi trong bóng chiều nhập nhoạng, sẽ biến mất đằng sau góc phố kia, nơi ô kính cửa hàng đồ lưu niệm hắt ánh sáng trần trụi xuống mặt hè loáng ướt mưa.

Nhưng người thiếu phụ ấy đứng yên bên quầy báo như cũ, vẫn chờ đợi, khuôn mặt chị mờ mờ dưới vành ô. Chị bối rối nhìn những khung cửa sáng loá của nhà ga đều đặn thả ra, nhả ra từng nhóm người vừa xuống tầu. Nhưng trong số họ không có anh ấy.

Người thiếu phụ đó là ai? Chị yêu người nào vậy?

Chị không chờ người ấy được nữa. Còn tôi buồn bã nhìn theo bước chân chị sải qua những vũng nước, dõi theo chiếc ô nghiêng ngả trên bờ vai khi chị bịn rịn rời sân ga trong đơn lẻ. Tôi bỗng sợ hãi khi nghĩ ngày mai tôi sẽ không còn thấy, không còn được gặp chị, người đàn bà có khuôn mặt mệt mỏi dễ thương này.

Suốt một tháng, chiều nào tôi cũng thấy người thiếu phụ ấy ở quảng trường sân ga, dáng nhẫn nại và bình thản. Chị vẫn chờ ai đó rất lâu trong bóng chiều nhập nhoạng, bên cạnh quầy báo. Để tới một ngày tôi đau đớn hiểu ra rằng, cả tôi, cả chị đều đang chờ đợi người không bao giờ đến với mình.

Lẽ nào người thiếu phụ ấy cũng yêu ai vô vọng như tôi? Có không chiếc phao cứu sinh cho những kẻ cô độc giữa dòng đời?

Sông Đà 22.7.1986

Nhận xét

  1. Trả lời
    1. "Trời mưa người có buồn không
      Riêng bên kia phố trời trồng dáng ai?"
      Rất hợp với câu thơ của Tư đúng không?

      Xóa

Đăng nhận xét