Ở Đảo.2




2.

Một lần Zabavin cần gửi điện về Arkhangensk, anh liền tìm đến trạm khí tượng thuỷ văn, nghe nói ở đó có đài vô tuyến điện. Anh dễ dàng tìm thấy trạm nhờ chiếc cột ăng-ten cao vút với những sợi cáp giằng xuống mặt đất.

Leo hết bậc tam cấp, anh đưa tay gõ cửa. Không thấy người thưa, anh đẩy cửa bước vào. Căn phòng anh vừa vào có tới ba, bốn cửa. Một trong số đó bỗng bật mở và cái đầu chàng điện tín viên thò ra. Cậu chàng có cái cổ thanh tú, đôi tai đỏ hồng, mái tóc loà xoà xuống trán. Nhìn thấy Zabavin, cậu ta tỏ vẻ ngờ vực.

- Anh là ai? - cố làm bộ nghiêm nghị, cậu ta hỏi.

Chẳng nghe Zabavin nói hết cậu ta nhăn nhó, vội vàng trả lời hiện giờ trạm trưởng đi vắng, và nếu không có bà ấy cậu sẽ không nhận chuyển điện gì hết, rằng việc liên lạc với Arkhangensk chỉ tiến hành vào buổi chiều.

Zabavin hẹn chiều quay lại rồi bước ra thềm, cảm thấy cái nhìn nghi hoặc của cậu điện tín viên dõi theo sau lưng. Trời đẹp nên anh quyết định đi dạo trên đảo.

Anh leo lên đỉnh ngọn hải đăng mầu trắng, ngó nhìn ra xung quanh, và lần đầu tiên anh thấy biển đẹp vô cùng, biển rực sáng, hư ảo dưới ánh nắng mặt trời. Dưới chân ngọn hải đăng anh thấy một giáo đường gỗ, cửa đóng kín mít, xa hơn một chút là khu nghĩa địa cổ. Anh tiến về phía đó. Anh thở dài thả bước giữa những ngôi mộ xẹp lún, những tấm bia đen vùi lấp nhô lên khỏi mặt đất.

Trên một tấm bia Zabavin khó khăn lắm mới đọc được hàng chữ: “Yên nghỉ dưới phiến đá này - Vaxili Ivanovich Prudinov - người gác đèn biển, sinh quán tỉnh Smolensk, trấn Beloi. Mất ngày 6 tháng Chín năm 1858 khi hành hương tới tu viện Solovets. Hưởng thọ 56 tuổi . Xin Thượng Đế dang tay đón nhận linh hồn ông”.

“Vậy đó - Zabavin thoáng buồn nghĩ - Một trăm năm đã trôi qua... Một trăm năm!...”

Anh định đọc nữa, nhưng các tấm bia khác còn lâu đời hơn, rêu phong phủ mờ không luận nổi chữ nữa. Zabavin ngồi trên một tấm bia, nhìn ra biển. Anh ngồi bất động hồi lâu, chìm trong không khí u buồn diệu vợi của trời thu, của khu nghĩa địa bị lãng quên, thầm nghĩ tới những con người đã sống nơi đây không chỉ một trăm năm về trước. Lát sau, miên man trong suy tư, anh chầm chậm đi xuống dốc, về phòng mình ngủ.

Nhưng giấc ngủ cứ chập chờn, anh liền trở dậy đến ngồi bên cửa sổ. Trong khi anh thiếp đi, sương mù đã kịp buông xuống đảo. Màn sương dày đặc, chẳng còn trông thấy gì xung quanh. Đã biến mất cột ăng-ten và ngọn hải đăng, đã biến mất khu xưởng cùng những ống khói.

Lũ dê tụ lại thành bầy đứng im bên dưới cửa sổ. Sự sống trên đảo như ngưng lại. Sương mù nuốt hết tiếng động, chỉ còn tiếng còi dẫn đường rền rĩ không ngừng phía Bắc đảo, âm thanh của nó buồn và bất an.

Sau lúc ngồi ngoài nghĩa địa, trong lòng Zabavin nảy sinh một tình cảm kì lạ với hòn đảo này.Tâm trí anh luôn bị ám ảnh về người gác đèn biển đã sống và qua đời một trăm năm về trước, khi nơi đây có lẽ còn hoang vu hơn.

Sương mù, tiếng còi rúc thê lương, và đàn dê đứng bất động làm anh bối rối, anh muốn được gặp gỡ mọi người, được trò chuyện và nghe nhạc. Anh sửa soạn thật nhanh rồi đi đến trạm khí tượng, anh căng mắt nhìn, khó khăn tìm đường đi trong sương mù, trong bóng chiều thu đang chạng vạng buông.



Trưởng trạm khí tượng là một cô giá chừng hai lăm tuổi, có cái tên rất lạ - Augusta. Cô có vóc người nhỏ nhắn, đôi chân dài thanh thoát, mái tóc cắt ngắn để lộ chiếc cổ mảnh mai mịn màng, khuôn mặt tròn, ngăm đen, đôi mắt to với hàng mi rậm.

Mọi người trên đảo gọi cô là Gusia. Lúc cười hai gò má cô thoáng ửng đỏ, rồi hai cái tai nhỏ xinh xinh cũng ửng hồng theo. Ngắm nhìn cô, lòng Zabavin thoáng một chút buồn, anh muốn ôm cô vào lòng, vuốt nhẹ những lọn tóc ngắn bồng bềnh, muốn cảm nhận hơi thở ấm nóng của cô phả trên má mình.

Đưa nội dung bức điện cho cậu điện tín viên xong, anh xin phép ngồi nghe nhạc. Nhanh nhẩu, hào hứng và có phần thích thú - Zabavin cảm thấy thế - Gusia dẫn anh vào phòng cô, với tay bật ngọn đèn bàn rồi đi đun nước pha trà.

Trong khi cô mang mấy chiếc tách đặt xuống bàn, lấy đưòng đổ vào bình, đôi tay nhỏ nhắn làm những chiếc thìa khua lách cách thì Zabavin kéo ghế ngồi, anh vuốt lại chiếc quần hẹp ống bị phùng, rồi gác chân lên theo thói quen. Anh với tay bật công tắc, chiếc rađio hắt ra luồng ánh sáng mờ mờ mầu thạch lựu, anh dò được một đài phát của Nauy gần đó, anh châm một điếu thuốc, rít say sưa.

Với vẻ chăm chú khác thường anh bắt đầu ngắm nhìn kĩ càng cô chủ nhà dễ thương và căn phòng nhỏ chỉ có duy nhất một cửa sổ trông ra hướng nam, cái giá sách có khoảng chục cuốn, tấm thảm, chiếc gường nhỏ trải đệm cẩn thận. Anh nhớ đến ánh mắt đám phụ nữ dưới xưởng nhìn mình, rồi nghĩ đến hòn đảo, khu nghĩa địa, nghĩ đến bóng tối và sương mù ngoài cửa sổ.

Thật lạ, giờ đây những ý nghĩ ấy không làm anh bồn chồn, day dứt, mà ngược lại, anh khoan khoái ngồi nghe nhạc Nauy, nghe lửa tí tách reo trong lò sưởi và lén nhìn cô chủ.

- Ôi, quỷ thật! - Zabavin nói, hết nhìn lọ mứt rồi đôi tay Gusia - Xin lỗi... Nhưng chị biết không, đi, đi hoài, cả ngày chỉ có nước lã, bánh mì khô và cô đơn ... Ôi, quỷ thật! Lâu rồi mới có ngày may thế này!

- À! - Gusia thốt lên, mắt chớp chớp.

- Thật đấy! - Zabavin bỗng hứng lên, - Trời thì đầy sương mù, lại còn tiếng còi đáng nguyền rủa kia nữa chứ, khiếp quá! Lúc ngồi một mình trên tầu hay nằm trong căn buồng trọ lúc chiều về ta chợt hỏi “Mình vẫn mơ ước về tình yêu, công danh, hạnh phúc. Nhưng kết cục là cái gì, mình chỉ sống hoài phí trên đời, tự dằn vặt và ngày càng xa lạ với gia đình...

Zabavin chợt bắt gặp cái nhìn là lạ của Gusia, anh sực tỉnh:

- Xin lỗi chị... Anh lắp bắp, bỗng thấy ghét chính mình - chắc chị không thích nghe, nhưng tôi muốn được nói: im lặng cả tuần rồi, mà một buổi tối như thế này...

- Không sao đâu, anh đừng ngại! - Gusia vừa nói vừa rót trà vào cốc cho Zabavin - Mời anh uống nước

Zabavin mỉm cười cầm tách trà.

Họ trò chuyện và chỉ một lát sau anh biết cô làm việc ở đây ở đây đã lâu, lương hưởng gấp đôi theo hợp đồng kí kết, và hiện giờ cô đang chán, muốn trở về Arkhangensk hay Leningrat.

Sau một hồi than vãn về chuyện buồn chán, kể tên những người quen chung họ chuyển sang nói về tình yêu và hạnh phúc, cả hai người trở nên hào hứng.

- Chị vừa nói tới tình yêu lí trí - Zabavin bất ngờ nói dù Gusia chẳng hề đề cập tới tình yêu lí trí nào trước đó - Ai ai cũng luận bàn về tình yêu, họ phát biểu, tranh luận ai yêu ai. Các ông nhà văn viết chuyện tình, bạn đọc tổ chức đàm luận, tranh cãi xem chàng có xứng với nàng, nàng có xứng với chàng không, ai tốt hơn, cao quý hơn, có nhận thức hơn, phù hợp với kỉ nguyên cộng sản chủ nghĩa hơn. Trong khi đó chính mỗi chúng ta chẳng ai hiểu tình yêu gì! Càng suy ngẫm, tôi càng tin chắc trong tình yêu những yếu tố như trí tuệ, tài năng, danh dự hay những gì đại loại thế chẳng có vai trò gì hết, hoặc là rất nhỏ, còn điều cốt lõi - hoàn toàn khác, đó là một cái gì đó không thể diễn tả bằng lời, rất khó hiểu. Nói đâu xa, tôi biết một gã ngu ngốc, nát rượu, càn rỡ, một kẻ vô lương tâm, vô liêm sỉ, vậy mà chị có biết không, các bà chết hắn như điên, không những thế lại toàn những phụ nữ thông minh, trí thức. Hắn biết các bà thích mình nên bòn tiền của họ đi uống rượu, và đối sử với họ như với súc vật vậy, rồi các bà khóc lóc vì hổ thẹn. Chính tôi biết đấy. Nhưng tại sao như vậy?

- Chắc tại anh không thấy ở hắn những gì mà những phụ nữ kia thấy - Gusia nói vẻ nghiêm nghị.

- Thế a? Họ thấy gì chứ? Trí tuệ? Tài năng? Tâm hồn cao thượng? Không đâu, hắn là thằng đại dốt, xấc xược và lười nhác! Mà mặt hắn thì chẳng phải là mặt nữa, một cái thủ húp híp thì đúng hơn.

Bên phòng cậu điện tín viên có tiếng động, tiếng chìa khoá lạch xoạch, im ắng một lát, có tiếng người vang lên.

- Này, tôi đã nhận và chuyển hết điện rồi... Bản tin thời tiết để trên bàn ấy! - cậu ta hét to rồi đóng sập cửa - Chào! Tôi ra câu lạc bộ đây! - Cậu ta hét từ bên ngoài, rồi khua vang giầy trên bậc thềm, ngôi nhà trở lại yên ắng.

Nét mặt Gusia bỗng thay đổi, dường như cô sợ hãi điều gì, cô ngoái nhìn ô cửa sổ tối thẫm, rồi chăm chú nhìn Zabavin, vẻ nghiêm nghị, cô chớp chớp mắt, má ửng đỏ. Còn Zabavin, dường như anh không còn ở cái tuổi ba lăm nữa, phía sau anh không còn những tháng ngày quân ngũ, gia đình hay công việc, điều duy nhất anh cảm nhận lòng mình bỗng xốn xang, cổ họng khô khốc, cảm xúc này anh đã trải qua lúc còn trẻ, khi si mê những cô bạn cùng lớp, hay khi hôn họ trong những đêm trắng lặng lẽ.

- Đó cũng là hạnh phúc... - Zabavin khe khẽ mở lời. Nghe anh nói câu đó, Gusia hiểu lúc này anh sắp nói ra một điều gì đó nghiêm túc và tốt đẹp, cô cảm thấy yên tâm và mỉm cười với anh, ánh mắt nhung tuyệt đẹp của cô dừng lại trên khuôn mặt anh.

- Con người hay hy vọng ở tương lai - Zabavin nhanh chóng tiếp tục, anh nhấp một ngụm trà, thoáng rùng mình vì bóng tối ngoài cửa sổ, vì hơi lạnh của biển - Họ trông chờ ở tương lai, sống dè sẻn, hấp tấp, vô nghĩa... Sống mà không thấy những điều tốt đẹp xung quanh, họ chửi rủa cuộc đời và tin hạnh phúc sẽ tới lúc khác kia. Ai cũng vậy thôi, cả tôi, cả chị... Trong khi đó hạnh phúc nào có xa xôi, nó ở quanh ta, hạnh phúc – là ta ngồi đây, cùng uống trà, là tôi mến chị và chị biết rõ điều ấy...

Zabavin ngập ngừng, dừng lại lấy hơi rồi mỉm cười như tự diễu cợt mình, còn Gusia, toàn thân nặng trĩu, không dám ngẩng lên nhìn anh.

- Giá có ai đó, thật mạnh mẽ xuất hiện, bắt ta phải ngoái đầu nhìn lại. Bởi càng đi, càng sống, hạnh phúc càng đơn sơ! Nhân loại luôn trẻ, nhưng chúng ta, chỉ có chúng ta đang già đi. Năm nay tôi ba lăm, còn chị...

- Hai lăm - Gusia thì thầm, đánh liều ngẩng khuôn mặt đỏ ửng lên nhìn thẳng vào mắt Zabavin.

- Đấy, một năm nữa tôi ba sáu, chị hai sáu, cả hai ta và bao người khác đang già đi theo năm tháng, một cái gì đó sẽ bỏ ta đi mãi mãi, một phần minh mẫn chẳng hạn, hay một lượng tế bào vĩnh viễn chết đi, từng ít, từng ít một, năm này qua năm khác... Nhưng cái chính không phải chỉ thân xác ta già đi, tóc bạc hay hói đi, hoặc mắc thứ bệnh giờ chưa mắc, mà chính tâm hồn ta cũng già cỗi - hạnh phúc gì khi ấy? Không, lúc ấy chẳng có hạnh phúc gì hết, tôi không thể hiểu nổi những kẻ luôn trông chờ. Sắp tới mùa hạ rồi, mình sẽ hạnh phúc đây, nhưng khi mùa hạ đi qua, anh ta vẫn bất hạnh, lại tự nhủ: đông sang mình sẽ hạnh phúc... Nói được gì nữa đây!

- Thế hạnh phúc ở đâu? – Gusia khẽ hỏi.

- Ở đâu ư? Tôi cũng tự hỏi như vậy. Này nhé, chị đang muốn thoát khỏi hòn đảo này, chị chờ mong điều đó, nhủ thầm rằng: hết năm nay, hai, ba năm nữa mình sẽ thật hạnh phúc! Không đâu, chính giờ này chị đang hạnh phúc vì chị chẳng đau ốm gì, chị trẻ trung, và có đôi mắt tuyệt đẹp, vì hiện giờ chị mới hai mươi lăm, trong mắt chị đầy niềm vui sống, chị có công việc hữu ích, có đảo, có biển... Chị thử nghĩ mà xem!

- Nói thì dễ! - Gusia mỉm cười hoài nghi.

- Đúng, thế giới này chẳng thiếu những nơi tuyệt vời, vậy tại sao phải là hòn đảo này? Đúng là Arkhangensk thú vị hơn nơi đây. Lúc này tôi hay chị khi nghĩ về Arkhangensk hay Leningrat thường hình dung đến những nhà hát, đèn đường, viện bảo tàng, phòng triển lãm, tiếng động, sự sôi động và nhiều thứ khác... Nói chung là đời sống! Đúng thế không? Nhưng khi tôi ở đó, ở nhà của mình, tôi lại chẳng thấy gì hết, tôi chỉ nghĩ về chúng khi đi xa. Chẳng hạn, vừa về tới Arkhangensk bỗng nghe tin con ốm, rồi buổi chiều cơ quan lại triệu tập họp, mọi người chờ mình để gấp rút làm báo cáo... Thế là lại quay cuồng như chong chóng, chẳng thấy nhà hát hay bất kì thứ gì khác. Vậy tôi sướng hơn chị ở chỗ nào, nếu nói ở phương diện cao siêu một chút? Không, không, chị hạnh phúc hơn tôi nhiều. Chị mới hai lăm, còn tôi ba mươi lăm!

- Đâu phải vậy! - Gusia ngước khuôn mặt lên, khẽ thở dài.

- Đúng thế đấy! Rồi sớm muộn chị cũng rời khỏi đây, có thể là về Leningrat sống, chị sẽ thấy dòng Neva, những cây cầu, đại lộ Issak...Nhưng chị, hãy tin tôi đi, chắc chắn sẽ nhớ hòn đảo này, nhớ người dân, biển cả, mùi tảo, mặt trời, mây trời bồng bềnh, giông bão, cảnh cực quang, tiếng sóng... rồi nhiều năm sau chị hiểu ra rằng mình từng có hạnh phúc nơi đây.

- Em không biết - Gusia thốt lên, vẻ đăm chiêu - Em không hề nghĩ đến điều đó...

- Đúng đấy, hầu như bao giờ cũng vậy. Ta thường nuối tiếc dĩ vãng vì khi xa ta mới nhận thấy rõ hơn.

Zabavin xúc động, anh ngắm nhìn Gusia, trộm nghĩ sẽ tốt biết bao nếu được sống mãi ở một nơi nào đó bên cô gái này. Anh thoáng bối rối vì ý nghĩ đó, hiểu rằng nó không đúng chỗ cho lắm, anh cũng hiểu sự bất lực của mình khi định thay đổi một điều gì đó trong đời, nhưng anh không thể không nghĩ tới, không thể chia tay Gusia dù trời đã rất khuya.

Anh chỉ đứng dậy khi cậu điện tín viên từ câu lạc bộ trở về, đẩy cửa vào phòng, vừa mở đài nghe nhạc Jazz vừa huýt sáo ầm ĩ.

Gusia đi cùng Zabavin ra ngoài thềm, họ dừng lại ở đó hồi lâu, làm quen dần với bóng tối.

- Để em tiễn anh về, ở đây nhiều dây rợ lằng nhằng lắm - Gusia nói, nắm lấy tay anh. Bàn tay cô nham nhám, ấm nóng, run run. “Ơi, cô bé yêu” Zabavin thầm cám ơn cô, để rồi buồn rầu nghĩ về mình.

Sương mù đã tan, tiếng còi đã lặng từ lâu, trên cao thắp sáng những vì sao trong xanh, dải Ngân Hà chảy đứt đoạn, rẽ chia đôi dòng, nhưng ngời ngời sáng. Nhanh chóng làm quen với bóng tối, Gusia đi phía trước còn Zabavin bám theo sau, anh khó khăn lắm mới thấy chiếc khăn quàng mầu sáng của cô, hú họa lần mò trên con đường đá ngoằn ngèo phủ đầy rêu. Vài phút qua đi trong im lặng, Gusia dừng lại, ngay lúc đó anh nhận ra xóm nhỏ với ánh đèn vàng thưa thớt dưới chân con dốc.

- Nào... - Gusia nói - Giờ anh tự đi tiếp được rồi, cẩn thận kẻo lạc. Tạm biệt anh.

- Chị chờ một lát - Zabavin nài - Tôi hút điếu thuốc đã.

- Dạ được. - nghĩ một lát Gusia trả lời, rồi lại nắm tay anh bước tiếp vài bước. Cô dừng lại bên một bờ rào, tựa người vào đó và quay mặt lại nhìn Zabavin. Anh châm một điếu thuốc, cố gắng nắm bắt nét mặt Gusia dưới ánh sáng que diêm, nhưng anh chẳng đoán nổi điều gì.



Phía dưới rì rầm tiếng sóng vỗ bờ đều đều, lan xa. Nước triều đang lên, thoang thoảng lạnh. Gió đem về mùi biển thu buồn ảo não. Biển cả sâu thẳm đen một mầu huyền bí.

Zabavin bỗng thấy khuôn mặt Gusia lúc sáng, lúc tối. Anh ngoảnh lại, trong vài ba giây anh nhận thấy ngọn đèn hình ngôi sao trên tháp đèn biển mầu trắng bất ngờ loé sáng, nó bừng lên chói loá một khoảnh khắc trong đêm tối rồi vụt tắt. Lát sau lại bừng lên, rồi tắt, cứ thế lặp đi lặp lại. Thật thú vị khi ngắm những khoảnh khắc loé sáng đó.

Zabavin quay lại phía Gusia.

- Hải đăng - anh nói chẳng biểu lộ cảm xúc gì - Ngọn hải đăng đang chiếu sáng chúng ta.

Lát sau, ngập ngừng như thể nhìn nhận và phán xét mình, anh cúi xuống đặt một nụ hôn nồng nàn lên đôi môi khô nẻ, bất động của cô.

Không nói gì, Gusia quay đi. Zabavin choàng tay lên đôi vai mảnh dẻ của cô, kéo cô vào bóng tối, dìu cô bước trên lớp rêu mềm mại phủ nền đá cứng lạnh, lách qua những bụi cây thấp, lá cứng, hăng hắc mùi mùa thu - đưa cô tránh khỏi ánh sáng ngọn hải đăng. Cuối cùng họ dừng lại, phía dưới chỉ có bóng tối và tiếng biển vọng về.

- Để làm gì? - cô buồn bã nói - Anh không biết em mà? Cái chính là để làm gì chứ?

Zabavin lại hôn cô. Khi hôn, khuôn mặt anh đượm buồn, mắt nhắm nghiền, mặc dù anh tự nhủ đó chính là thứ hạnh phúc họ vừa nói với nhau.

-Thôi, chúng ta quay lại đi. - cô khẽ nói.

- Em đừng giận! - cũng khẽ khàng như thế, Zabavin nói rồi ngoan ngoãn đi theo cô.

Gusia dừng lại bên bờ rào, chỗ họ hôn nhau lần đầu, cô khóc nấc lên rồi áp mặt vào chiếc áo khoác lạnh giá của Zabavin.

- Hẹn anh ngày mai - cuối cùng cô nói, lau vội những giọt nước mắt rồi thở dài - Đêm nay em không ngủ được đâu... Để làm gì? Để làm gì chuyện đó?

Đẩy anh ra, cô đi như chạy về nhà, dáng thật tội nghiệp lúc anh nhìn theo. Sau đó anh còn đứng lại đó hồi lâu, khi nhìn ngọn hải đăng cháy sáng, lúc nhìn ánh đèn ấm áp trong ô cửa sổ phòng Gusia. Khuôn mặt anh ngời sáng, cổ họng khô khốc, anh khẽ rên rỉ và nhăn mặt, anh không đủ sức bước về, trái tim anh đập những nhịp chậm, nặng.

(còn nữa)


Nhận xét