Một cảm nhận khác về bài thơ "Mùa lá rụng"




Liệu có một lớp nghĩa nào khác nằm dưới bài thơ “Mùa lá rụng” nữ thi sĩ Olga Berggoltz? Tôi tự hỏi như vây. Câu chuyện bắt đầu từ việc lờ mờ cảm nhận có một cái gì đó chưa diễn đạt hết trong bản dịch đã đóng đinh vào tâm thức những người yêu thơ Olga Berggoltz. Nếu bạn đã đọc bản dịch đó, hay đọc entry trước xin tạm thời quên nó. 

Olga Berggoltz viết bài thơ “Mùa lá rụng” năm 1938. Giai đoạn này cuộc đời riêng của bà ra sao? Theo Wikipedia tiếng Việt:

Cuối thập niên 1930, Berggoltz liên tục gặp bi kịch trong cuộc sống. Hai con gái của bà là Irina và Maya lần lượt qua đời. Năm 1938 đến lượt Boris Kornilov bị kết án nhầm và bị xử bắn trong giai đoạn cuộc Đại thanh trừng, bản thân Olga Berggoltz cũng bị bắt giam vì liên hệ với “kẻ thù của nhân dân”.


Boris Kornilov là người chồng đầu tiên của Olga Berggoltz, bà lấy ông khi 16 tuổi. Đó là một nhà thơ tài danh và bạc phận. Năm 1936 ông bị khai trừ khỏi Hội Nhà văn. Trong cuộc Đại thanh trừng, vào ngày 19/03/1937 Kornilov bị bắt tại Leningrad. Và bị xử bắn ngày 21/02/1938. Sau khi chết được phục hồi danh dự và thành viên Hội Nhà văn.

Vậy Đại thanh trừng là gì vậy? Hãy tìm hiểu giai đoạn đen tối này trên Wikipedia . Tổng biên tập báo Pravda (báo Sự thật của ĐCS Liên Xô) Nikolai Ivanovich Bukharin  bị xử bắn. Hàng loạt trí thức Nga bị bắt, bị xử bắn, bị lưu đầy. Giai đoạn này được phản ánh trong một số tác phẩm văn học của Nga xuất bản ở nước ngoài hay  vào giai đoạn Cải tổ, như “Bác sĩ Zhivago” giải thưởng Nobel văn học 1958 của Boris Pasternak  hay Những đứa con phố Arbat của Anatoly Rybakov

Quay trở lại việc Olga Berggoltz bị bắt: Trên Wikipedia tiếng Nga viết:

Ngày 13/12/1938, Olga Berggoltz bị bắt về tội "liên kết với kẻ thù của nhân dân" và là thành viên của âm mưu phản cách mạng. Khi bị giam giữ, tra tấn bà mất đứa con trong bụng (hai cô con gái đã chết trước đó). Ngày 03/7/1939 bà được trả tự do và phục hồi tư cách. Nhưng những gì đã trải qua đeo đuổi bà suốt cuộc đời. Bà viết trong nhật kí ngay sau khi ra tù: 

“Cảm giác về nhà tù trong tôi lúc này, sau 5 tháng được thả tự do càng khốc liệt hơn những ngày đầu mới khỏi đó. Tôi không chỉ cảm thấy, ngửi thấy cái mùi nặng nề ở hành lang nhà tù dẫn tới “Ngôi nhà lớn”, mùi cá, mùi ẩm mốc, mùi hành tây, tiếng những bước chân, mà còn thấy cái tâm trạng sụp đổ hỗn độn, tuyệt vọng không lối thoát mỗi khi đi lấy khẩu cung. Người ta dốc ngược tâm hồn của tôi, dùng những ngón tay bẩn thỉu mà moi móc trong đó, nhổ tọet vào nó rồi lộn ngược trở lại và phán một câu chỏng lỏng: sống đi!.”

Nguyên bản: «Ощущение тюрьмы сейчас, после пяти месяцев воли возникает во мне острее, чем в первые дни после освобождения. Не только реально чувствую, обоняю этот тяжелый запах коридора из тюрьмы в Большой дом, запах рыбы, сырости, лука, стук шагов, но и то смешанное состояние обреченности, безысходности, с которым шла на допрос. Вынули душу, копались в ней вонючими пальцами, плевали в нее, гадили, потом сунули обратно и говорят: живи!»

Những dòng hồi ký này của bà chỉ mới vừa được công bố vào năm 2001, nghĩa là 26 năm sau khi bà đã mất. Vậy cái không khí nghẹt thở đó có phản ánh trong bài thơ “Mùa lá rụng” của bà? Ta cùng đọc lại bài thơ này.

Листопад          Mùa lá rụng

Осенью в Москве на бульварах вывешивают дощечки с надписью "Осторожно, листопад! "
Mùa thu ở Mátxcơva người ta thường treo những tấm biển trên các đại lộ, với dòng chữ: "Hãy thận trọng. Cây đang mùa lá rụng!"

Осень, осень! Над Москвою          Mùa thu, mùa thu! Trời Matskơva
Журавли, туман и дым.          Đàn sếu bay qua, sương mù và khói.
Златосумрачной листвою          Lửa vàng sẫm nhuộm mầu vòm lá tối
Загораются сады.          Rực rỡ cháy lên trên những khu vườn.
И дощечки на бульварах          Những tấm biển treo dọc suốt con đường
всем прохожим говорят,           Nhắc tất cả những người đi bên dưới -
одиночкам или парам:          Dù có đôi hay cô độc trên đời:
"Осторожно, листопад!"           “Hãy thận trọng, Cây đang mùa lá rụng!”

О, как сердцу одиноко          Ôi, trái tim tôi sao quá đơn côi
в переулочке чужом!          Lạc giữa ngõ nhà ai xa lạ quá!
Вечер бродит мимо окон,          Bóng chiều rơi qua loang nhoà khung cửa,
вздрагивая под дождем.          Run rẩy rùng mình mưa gió thu sâu.
Для кого же здесь одна я,          Nơi đây một mình, có nghĩa với ai đâu,
кто мне дорог, кто мне рад?          Ai người tôi yêu? có tôi ai vui vẻ?
Почему припоминаю:          Và cớ sao tôi bỗng nhắc thầm thì:
"Осторожно, листопад!"          “Hãy thận trọng, Cây đang mùa lá rụng!”

Ничего не нужно было,-          Đã không còn cần thiết điều chi
значит, нечего терять:          Cũng có nghĩa chẳng còn gì để mất:
даже близким, даже милым,          Chẳng là yêu thương, chẳng là thân nhất
даже другом не назвать.          Thậm chí bình thường gọi bạn cũng không.
Почему же мне тоскливо,          Nhưng tại sao da diết thế trong lòng
что прощаемся навек,          Vào giây khắc mình chia ly vĩnh viễn?
Невеселый, несчастливый,          Ơi người đàn ông trĩu nặng ưu phiền
одинокий человек?          Quá cô đơn và vô cùng bất hạnh.

Что усмешки, что небрежность?          Mỉa mai ư, hay chỉ không cẩn trọng?
Перетерпишь, переждешь...           Gắng nhẫn nhịn đi, mọi chuyện sẽ qua ...
Нет - всего страшнее нежность          Không đâu anh - điều khủng khiếp nhất là
на прощание, как дождь.          Vẻ dịu dàng như mưa khi vĩnh biệt.
Темный ливень, теплый ливень          Cơn mưa tối sầm, ấm áp nhường kia
весь - сверкание и дрожь!          Chớp loá sáng, rùng mình mưa run rẩy!
Будь веселым, будь счастливым          Vui lên anh, hạnh phúc giờ phút ấy
на прощание, как дождь.          Khoảnh khắc chia lìa, hãy cố như mưa.

...Я одна пойду к вокзалу,          ...Tôi sẽ một mình lặng lẽ ra ga
провожатым откажу.           Sẽ từ chối không cần ai tiễn biệt.
Я не все тебе сказала,          Mọi điều với anh tôi chưa nói hết,
но теперь уж не скажу.          Nhưng phút này sẽ chẳng nói gì thêm.
Переулок полон ночью,          Con ngõ nhỏ đã tràn ngập mầu đêm,
а дощечки говорят           Những tấm biển trên cao kia vẫn nhắc
проходящим одиночкам:          Những kẻ độc hành lặng lẽ đi qua:
"Осторожно, листопад!"           “Hãy thận trọng, Cây đang mùa lá rụng!”


Bài thơ có 5 khổ, mỗi khổ 8 câu, được mở đầu bằng lời chú thích của tác giả Mùa thu ở Mátxcơva người ta thường treo những tấm biển trên các đại lộ, với dòng chữ: "Hãy thận trọng. Cây đang mùa lá rụng!".  Ở các thành phố nước Nga người ta treo những tấm biển như thế. Đó là lời cảnh báo mối hiểm hoạ tiềm tàng trong mùa lá rụng. Hãy thử tưởng tượng: Những đoàn tầu điện sầm sập lao trên đường ray trong mù mịt lá đổ. Ai có thể biết được điều gì xảy ra với người bộ hành đi trong mịt mù đó.

Bài thơ viết về tâm trạng của người đàn bà khi chia tay người đàn ông của mình. Nhưng liệu chỉ có thế?

Hai khổ thơ đầu đọc xong. Rất tâm trạng.

Đến khổ thơ thứ ba đã thấy có một điều gì khang khác. Một tâm trạng u uất. “Chẳng là yêu thương, chẳng là thân nhất/Thậm chí bình thường gọi bạn cũng không.” Người đàn bà căm ghét người đàn ông của mình đến thế? Kẻ thù chăng? Của ai? “Nhưng tại sao da diết thế trong lòng/Vào giây khắc mình chia ly vĩnh viễn?”. Vĩnh viễn mất nhau. Tình yêu hay mạng sống? Sự chia lìa ấy có ngoài ý muốn của hai người? Người đàn ông ấy là ai, số phận ra sao? “người đàn ông trĩu nặng ưu phiền/Quá cô đơn và vô cùng bất hạnh”.

Khổ thơ thứ tư rất khó hiểu. “Mỉa mai ư, hay chỉ không cẩn trọng?” Mỉa mai điều gì? Thiếu cẩn trọng điều gì? Hình như phảng phất cái không khí thời cuộc lúc đó, khi những trí thức Nga bầy tỏ quan điểm của mình. “Gắng nhẫn nhịn đi, mọi chuyện sẽ qua ...” Trong câu này động từ dùng ở ngôi thứ hai, nhưng không thể xác định người đàn ông/ hay người phụ nữ nói. Sao phải nhẫn nhịn? Sao phải gắng chờ? ... Và hãy nhìn lại hình ảnh người đàn ông trong cuộc chia lìa vĩnh viễn ấy! Rất dịu dàng. Vẻ dịu dàng đau đến khủng khiếp. Vẻ dịu dàng như mưa khi vĩnh biệt. Một cơn mưa buồn, tối sẫm và ấm áp. Chớp loé sáng, màn mưa run rẩy. Trong nguyên bản tiếng Nga chỉ có 3 từ весь - сверкание и дрожь! có thể hiểu: Cả màn mưa/Toàn thân (vì tác giả so sánh người đàn ông ấy với cơn mưa) - Chớp loé và rùng mình! Chớp lóe, hình ảnh này ngụ ý điều gì?

Không biết bạn nghĩ ra sao? Nhưng cá nhân tôi cảm nhận bài thơ càng về cuối càng đen tối. Không gian mờ xám của chiều thu với những vòm lá đỏ cháy nhức nhối cứ tối dần, tối đen lại qua các khổ thơ. Cái bóng chiều nhập nhoạng loang qua các ô cửa cuối cùng đã biến con ngõ nhỏ đặc quánh mầu đêm. Người đàn bà ra ga. Nàng bỏ đi để quên ai đó hay nàng đến một chốn lưu đày?

Tôi không kết luận điều gì. Những thông tin chắp nhặt về Olga Berggoltz, “Cây Ngải Đắng” của thi ca Nga, làm tôi liên tưởng đến những điều ấy. Mùa lá rụng - Mùa chết chóc? Nếu đúng như thế thì bài thơ đó quả thật là “đáng sợ”!

Nhận xét