Đấu súng




Tôi không thể quên được chúng, hai ngôi mộ Nga trong nghĩa địa thị trấn nước Áo gần thành phố Viên, nơi diễn ra hội nghị quốc tế các nhà văn.

Hôm đó là ngày tưởng nhớ những người đã khuất, và cái nghĩa địa sạch sẽ, gọn gàng này lập tức gây ấn tượng với tôi bởi bầu không khí im lặng, vẻ tĩnh mịch u buồn; khắp xung quanh lung linh những ngọn nến thắp trong những chiếc cốc thuỷ tinh, trên các lối đi âm thầm di động những bóng người lặng lẽ trong mầu áo đen, họ dừng lại, cúi đầu trước những ngọn nến cháy thê lương trong không khí u ám của sự yên lặng không thể phá vỡ.

Người phiên dịch dẫn tôi ra cuối nghĩa địa, ở đó chúng tôi dừng lại trước hai phiến đá granit phủ đầy lá cây, trên đó không thấy thắp những cốc nến tưởng niệm, có một cái gì đặc biệt trong hình thức giống nhau của hai ngôi mộ phủ lá cây, và điều đó làm tôi nhói lòng.

- Đây là hai trung uý của các ông - người phiên dịch nói giọng như có lỗi rồi thận trọng gạt đám lá phủ bề mặt những phiến đá khiêm nhường để lộ ra những dòng chữ vàng phai mầu khắc những cái tên Nga thân thương. Tôi đọc hết các dòng chữ: “ Trung uý Pavel Bogatsev — 1923 - 1945”, “ Trung uý Sergei Leonov — 1925- 1945”

- Họ giết nhau - người phiên dịch nói vẫn với vẻ có lỗi lúc trước, đôi môi anh ta động đậy yếu ớt.

- Anh nói họ giết nhau là sao? – tôi không hiểu - Chuyện như thế nào?

- Họ bắn nhau - người phiên dịch nói nhỏ.

- Tôi chẳng hiểu gì hết! - bất ngờ tôi nổi cáu – Anh giải thích đi, chết tiệt, chuyện gì xảy ra giữa họ? Xin lỗi anh vì tôi đã thô lỗ, - tôi tự kìm chế bản thân – hai trung úy này cùng thế hệ với tôi... Khi đó chúng tôi chừng mười tám, hai mươi thôi.

Người phiên dịch rụt rè nhìn tôi, người đàn ông tóc đã pha sương, từ lâu đã bỏ lại phía sau những năm tháng tuổi trẻ chiến tranh của mình, và hình như, vô tình anh ta muốn hình dung tôi là chàng trung uý hai mươi, một lát sau anh đưa mắt nhìn những ngôi nhà gọn ghẽ lợp ngói đỏ của thị trấn, nóc nhà thờ góc cạnh nhô lên giữa những đám cây trụi lá, anh khe khẽ tiếp tục:

- Trước kia ở đây có một quân y viện Nga… Không, không phải quân y viện, gọi thế nào nhỉ? Wait a moment, để tôi nhớ đã, trạm … quân y tiểu đoàn… Gọi thế đúng không? Rất nhiều thương binh, bác sĩ… Hai trung uý đó đóng quân ở Viên, nhưng họ tới đây gặp các cô y tá xinh đẹp… Tôi biết: phụ nữ Nga dễ thương và tuyệt lắm… Ở đây có một nữ bác sĩ, mọi người kể, cô ấy đẹp lắm, như Greta Garbo ấy, và cả hai chàng kia …oh, my god… đều phải lòng cô điên cuồng. Xung quanh thiếu gì gái đẹp, nhưng họ chỉ biết cô ấy thôi, như các nhà thơ thường nói “my heart, my heart”. Không ai trong thị trấn biết có chuyện gì giữa họ… tiếng Nga nói thế nào nhỉ… Cái đó gọi là… hình như là …. chuyện tình tay ba? Duy nhất một bà cụ ở gần chỗ này kể rằng bà nhìn thấy một trong hai chàng trung uý đi từ trạm quân y ra, hình như anh ấy khóc. Về sau mọi người mới biết hai người họ đã đấu súng, như kiểu thế kỉ mười tám ấy. Một cơn ác mộng! Kinh quá! Người ta tìm thấy hai chàng chết ở ven thị trấn. Họ nằm cách nhau khỏang hai mươi mét. Bên cạnh mỗi người lăn lóc khẩu súng lục. Thật khủng khiếp! Họ, hình như … đã cùng bắn một lúc. Họ giết chết nhau. Oh, my god! Hư cấu theo kiểu Hoffmann! Giờ kể lại tóc tôi còn lạnh cứng. Hai người đồng đội thân thiết giết nhau vì một phụ nữ!

Tôi không hỏi người phiên dịch thêm điều gì. Tôi không rời mắt khỏi dòng tên hai chàng trung uý Nga, và nghĩ về họ, những người gần gũi với tôi trong nỗi khát khao yêu đương lúc cuộc chiến kết thúc, khi cuộc sống rộng mở phía trước thế hệ tôi và hai anh chàng đồng niên si tình đến rồ dại, cái rồ dại đã bị chặt đứt bởi sự tình cờ vô lý, như quy luật của số phận, cái số phận không dung nạp trong nó bất cứ sự rồ dại nào.

- Kinh quá! - Người phiên dịch nhắc lại cái câu chẳng hay ho gì với tôi, anh ta đọc được nó trong cuốn sách tiếng Nga nào đó.

Cổ họng nghẹn đắng, tôi không thốt lên được lời nào

Dịch từ Những Khoảnh Khắc của Iuri Bondarev

Nhận xét

  1. nhìn hình ảnh, em cứ nghĩ chuyện viết về cuộc đấu súng của Puskin cơ...chung quy lại nta chết bởi TY cũng có sao đâu???

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. - Có thể vì thế mà ông nhà văn rất khó chịu khi nghe người phiên dịch luôn mồm nói "Kinh quá".
      - Còn nhân vật trong ảnh minh hoạ đúng là Puskin đó.

      Xóa

Đăng nhận xét