Đàn Chim (9)




9.

Ba tháng nữa tôi tròn năm bẩy tuổi. Đến lúc phải viết đơn lên Ngân khố quốc gia xin được tiếp tục làm việc. Giám đốc sở tôi bây giờ là ông Vicramakingkhe. Tikiri Banga Vicramakingkhe. Ông là người vùng Kandi. Tôi có quan hệ tốt với ông. Có lần thấy tôi đứng chờ xe bus ở bến, ông ấy dừng xe lại mời tôi về cùng. Tôi từ chối, nhưng ông ấy kéo bằng được lên xe và chở về tận Borela. Sức khoẻ của tôi hiện giờ chưa có gì phải phàn nàn. Ơn trời, tôi có thể làm việc được hai, ba năm nữa.

Chuyện nhà đã bao điều buồn khổ, giờ lại thêm Khitri đổ bệnh. Nó bị hen. Mỗi khi nhìn nó há hốc mồm ra thở - thật khủng khiếp. Hai tay nó co quắp lại. Dứt cơn hen hai ba ngày nó trở lại bình thường. Đêm đêm bà Sumanavati thức trắng không ngủ, hễ nghe tiếng Khitri rên là bà ấy liền vùng dậy, chạy tới chỗ nó. Ban ngày cũng không rời nó nửa bước. Tôi mất tự chủ hoàn toàn. Nhìn đống công văn, giấy tờ bừa bộn trên bàn làm việc tôi chỉ thấy hiện lên khuôn mặt hốc hác của thằng con út.

Có lẽ vì bệnh tật nên Khitri trở nên khó tính và nhút nhát. Bây giờ cả khi khoẻ nó cũng không ra cổng chơi, cả ngày chỉ quẩn quanh trong nhà bếp.

Sáng sáng, thắp đèn trên ban thờ bà Sumanavti lầm rầm khấn bái những bài kinh bà ấy thuộc. Nhưng ích gì đâu. Đôi lúc trong tôi thoáng hiện nỗi nghi ngờ sự công bằng của Thượng đế. Vì tội lỗi gì ở kiếp trước, Khitri đã bị trừng phạt nặng vậy rồi mà bất hạnh vẫn không buông tha nó. Thượng đế căm giận các con tôi, nhưng nỗi căm giận người giáng xuống đầu tôi và bà lão còn khủng khiếp hơn. Suốt hai lăm năm qua chúng tôi đã còng lưng gánh nó trên vai.

Tôi về phòng mình, nằm xuống gường, mắt đăm đăm nhìn vào đêm tối. Ngày xưa, trước khi đi ngủ tôi thường nghĩ về tương lai của các con, vạch ra những kế hoạch hay ước mơ gì đấy. Nhưng bây giờ tôi chẳng nghĩ gì cả. Chỉ nằm vậy thôi. Trong nhà không một tiếng động - mọi người đã ngủ từ lâu. Ngoài đường vọng vào tiếng chân bước, tiếng người nói. Chắc họ đi xem phim buổi muộn trở về.

Mắt tôi nhíu lại, tôi bỗng nghe trong nhà có tiếng khóc. Tôi trở dậy, bước ra phòng khách. Đèn đã tắt hết. Cửa phòng con Malini khép hờ, từ đó khe khẽ vọng ra tiếng nức nở. Tôi tới bên cánh cửa gọi Malini. Tiếng khóc ngưng bặt, nhưng nó không thưa. Tôi đành đánh thức bà Sumanavati dậy, bảo bà sang xem có chuyện gì, còn mình đi ra hiên. Đã hai hôm nay Malini không đi làm, nó kêu khó chịu. Chắc giờ nó mệt nặng hơn. Nếu bây giờ cần mua thuốc chắc phải chạy tới bệnh viện vì giờ này hiệu thuốc gần nhà đã đóng cửa từ lâu. Có ai đặt tay lên vai tôi, tôi thật thót người vì bất ngờ. Hoá ra bà Sumanavati. Tôi ngoái lại thấy con Malini ở cửa chính. Mặt đầm đìa nước mắt, nó kéo vạt áo sari lau nước mắt.

- Sao vậy, Malini? Có chuyện gì thế con? – tôi thương cảm hỏi.

Không đáp, nó quay mặt vào tường oà khóc. Tôi ngạc nhiên nhìn đôi vai run rẩy của nó, rồi quay sang nhìn vợ, rồi lại nhìn nó. Linh cảm chuyện chẳng lành, trống ngực tôi đánh thình thịch.

- Malini, khóc cũng không giải quyết được chuyện gì. Vào nhà đi ngủ đi. Để mẹ bàn với ba xem nên làm như thế nào?

- Thì mẹ con bà cho tôi biết có chuyện gì chứ! - hình như tôi gào lên.

- Ông đừng cuống và gào lên như thế - bà Sumanavati ngăn tôi lại - Malini và Vidjasundura cãi nhau.

- Nhưng vì chuyện gì?

- Có trời biết được…

- Nhất định phải có chuyện gì chứ. Không thì cãi nhau sao được.

- Nó bảo mẹ nó không cho lấy tôi - Malini đáp. Nó đã thôi khóc nhưng cơn giận làm mặt nó méo mó - Chưa hết đâu. Nó có con khác rồi. Thằng chó!

- Đừng chửi bậy, chửi bạ - bà Sumanavati lầu bầu - Phải tội đấy. Tốt nhất mày nói do đâu mày biết nó có đứa con gái khác.

- Mẹ kệ tôi! Chó ghẻ thì phải gọi là chó ghẻ chứ. Mai tôi tới cơ quan nó làm ầm lên cho biết tay.

- Để ba đi gặp thì hơn. - tôi đề nghị - Một cô gái tự trọng không bao giờ làm thế.

- Không việc gì ba phải hạ mình như vậy. Nó tưởng nó quý hoá đến thế sao? Ước gì chẳng bao giờ thấy mặt nó nữa.

- Thế thì còn gì phải nói nữa? Nó bỏ con, còn con không muốn nhìn mặt nó. Vậy quên đi là xong. Trên đời đâu chỉ có mình nó. Xung quanh đâu thiếu những chàng trai tốt. Thôi đi ngủ đi. Mọi chuyện sẽ ổn thôi - tôi đẩy Malini vào nhà - Bà cũng đi ngủ đi, Sumanavati. Muộn rồi.

Bà Sumanavati dìu con gái vào phòng. Malini vẫn om xòm:

- Gặp ngoài phố tôi sẽ cho nó cái tát.

Mọi người đi khỏi chân tôi muốn khuỵ xuống, tôi ngã phịch xuống ghế. Hai tay ôm đầu như mỗi khi bị đau răng, tôi trầm ngâm suy nghĩ. Sắp gần một năm từ khi Vidjesundura tới nhà tôi. Chuyện Malini có người yêu đã lan ra khắp phố. Dao đầu thằng đó tới chơi tháng một hai lần. Bốn giờ tới thì nhé nhem tối đã ra về. Nếu đến buổi sáng thì tới bữa cơm trưa là nó tìm cách tháo lui. Rất khó mời nó ở lại ăn cơm với gia đình. Cả nhà đón tiếp nó như khách quý. Nhìn thấy nó ở cổng bà Sumanavati không chờ nó lên hiên mà chạy ra tận nơi đón. Tất tả pha trà. Mang nước dừa. Lấy thuốc lá dành riêng ra mời. Rồi lát sau chạy vào bếp làm món gì đó. Nhưng không thể giữ Vidjesundura ở lại chơi quá hai tiếng.

Dần dà mọi chuyện khác hẳn. Vidjesundura tới thường xuyên hơn. Trước dịp lễ Poia nó ở hãng về thẳng nhà tôi, hai đưa ra hiên ngồi trò chuyện tới tận bữa tối. Ăn cơm xong nó lại chơi cờ với Malini. Con bé khôn ngoan đâu còn biết gì nữa! Nó quên mất rằng con trai ở lại chơi khuya trong nhà con gái là không hay. Thỉnh thoảng Vidjesundura phóng xe máy tới, đỗ ngoài cổng bấm còi, nghe thấy tiếng còi của nó, dù đang làm gì con Malini cũng bỏ đấy chạy vội ra. Rồi hai đứa đứng ngay ở cổng trên đường đi lối lại liến thoáng trò chuyện tới tận khi trời tối và đèn đường bật sáng. “Sao chúng bay phải đứng ngoài cổng? Nhà không đủ chỗ hay sao?” - đã vài lần tôi bảo Malini. “Anh Vidjesundura ghé lại một lát hẹn con đi chơi thôi mà” - nó đáp. Một lát của chúng - tiếng ruỡi hoặc hai tiếng đồng hồ. Ông Sirisena có lần bóng gió nói với tôi khi Malini và Vidjesundura còn chưa đính hôn thì không tiện lắm nếu để chúng suốt ngày đi xem, đi cửa hàng với nhau như vậy. Nhiều lần tôi đã bảo Malini điều đó, nhưng vô ích. “ Thời buổi bây giờ khác rồi, ba ơi - nó gạt đi - Phải thường xuyên gặp gỡ vị hôn phu của mình chứ. Hiểu rõ anh ấy tình yêu mới bền lâu được.” Bà Sumanavati cũng chẳng thấy có gì đáng ngại trong chuyện ấy cả. Giờ mẹ con bà ấy mới hiểu thời buổi có khác nhưng vẫn lề thói cũ cả thôi. Tất nhiên chẳng cần phải giở mánh khoé mới kiếm được chồng cho cô gái có công ăn việc làm. Nhưng cũng chẳng đơn giản nếu suốt một thời gian dài người ta thấy cô ta đi lại với một anh chàng nào đó. Có thể họ hàng nhà chú rể không chỉ xem tuổi, mà còn dò hỏi hàng xóm láng giềng nhà cô ta. Lúc đó mọi chuyện sẽ ra sao? Phận con gái là vậy - chỉ một vết hoen thôi, họ sẽ khinh bỉ gạt bỏ. “Tại sao cuộc đời tàn nhẫn thế? – tôi thất vọng tự hỏi - Mọi hy vọng cứ lần lượt đổ vỡ”. Giá trên đời này có một xó xỉnh nào đó để người ta lẩn trốn, nhắm mắt, bịt tai để không còn thấy, không còn nghe điều gì. Nhưng liệu có lẩn trốn cuộc đời này được không?

- Sao ông nản trí thế? – bà Sumanavati hỏi tôi khi quay trở lại hiên – Bình tĩnh lại đi. Ông là đàn ông cơ mà.

- Đầu óc tôi quay cuồng. Tôi không biết làm gì nữa.

- Còn phải làm gì. Malini với Vidjesundura đã không thành, phải tìm cho nó một tấm chồng. Có thế thôi. Than thở ích lợi gì. Ông làm tôi ngạc nhiên đấy. Vừa mới vậy mà ông đã buông tay cam chịu.

- Con Malini nhà mình cũng hay hớm lắm. - Im lặng một lát bà Sumanavati nói tiếp - Đã mấy lần nó nói thằng Vidjesundura thô lỗ tới mức tôi nghe mà lặng cả người. Ông lạ gì con mình ăn nói thế nào khi nó cáu. Mọi chuyện kết thúc tốt đẹp sao được khi ngay từ đầu chúng nó đã cãi nhau.

Chúng tôi ngồi ngoài hiên thêm một lát, rồi tôi lê bước về phòng mình. Nhưng làm sao ngủ được sau một chuyện như thế. Tôi nằm xuống gường, nhìn vào bóng đêm và nghĩ cách giúp Malini. Ông Sirisena tìm chồng cho con qua bà mối. Có lẽ phải nhờ ông ấy đến gặp bà mối đó. Ở sở tôi cũng có vài người có thể giúp được, nhưng thú thực tôi không muốn thổ lộ chuyện không hay của gia đình mình. Biết làm thế nào được. Rồi mọi chuyện sẽ ổn thoả thôi. Malini không xấu xí gì, nó khỏe mạnh. Thể nào vợ chồng tôi cũng tìm được cho nó tấm chồng chẳng thua kém gì Vidjesundura.

Suy nghĩ của tôi quay về thằng Nimal. Đã mấy tháng nay nó dan díu với một con bé ở phố Kamatavatla. Tên con này là Soma. Tôi không ưa chuyện này. Nhưng Nimal chẳng để tâm tới ý kiến của chúng tôi, thậm chí tôi phải nhờ cả ông Sirisena nói chuyện với nó, nhưng cũng chẳng ăn thua gì. Tuần vài lần Nimal đến ở với con bé kia. Thường nó đi vào buổi chiều và sáng hôm sau mới về. Bố mẹ con bé làm ngơ chuyện đó. Mà họ phải làm gì kia chứ? Vớ được một thằng như Nimal là tốt rồi. Trước kia con bé đó đã phải vào trường giáo dục cá biệt ở Maradana, nơi người ta chuyển học sinh hư từ các trường khác tới. Gần một năm nay nó thôi học và đang học may tại một cửa hàng trên phố Kota Road. Nó trông rất ấn tượng, dễ làm các chàng trai mê tít. Nó luôn mặc áo váy một mầu bó sát lấy người. Giầy cũng cùng mầu quần áo.Tóc cài nơ bỏ loã xoã ngang vai. Một chấm son đỏ in giữa trán. Cặp môi to son phơn phớt. Nửa câu tiếng Anh nó cũng không nói được. Ở Velikada người ta kể đủ điều bẩn thỉu về nó. Tuy thế, đi ngoài phố nó luôn tỏ ra thuỳ mị, mắt nhìn e lệ như một nữ thánh. Thỉnh thoảng nó gặp tôi ngoài phố. Cũng chào. Rồi hỏi thăm Nimal. Tôi không tránh được đành mỉm cười trả lời quấy quá cho xong . Con bé tặng Nimal một chiiếc gối nó tự may. Giữa đám hoa lá nhằng nhịt là mấy dòng tiếng Anh “Good night” “Sweet dreams” “Good luck”. Tôi không biết Nimal thế nào, chứ bà lão Sumanavati mê tít món quà đó. Mỗi khi tôi có ý kiến về Soma là bà ấy một mực phản đối.

- Ông bỏ cái kiểu chê ỏng chê eo con bé ấy đi. Nó có đôi bàn tay vàng đấy. Ông biết nó khâu vá thế nào không. Nó chẳng thèm bám con trai ông đâu, thằng kia chạy theo nó thì có. Với nhà mình Nimal là quý, thì cha mẹ con bé cũng nghĩ nó tốt đẹp nhất trên đời.

- Bà đừng nói những gì bà không biết - tôi kiên nhẫn - Bà thử ra phố xem người ta nói gì về con đó.

- Việc gì tôi phải nghe họ? Đến sư trong chùa họ còn nói những điều mới nghe đã phải bịt tai lại rồi. Chính ông cũng biết thằng Nimal nhà mình có hay hớm gì đâu.

- Con bé làm hỏng thằng Nimal.

- Ông lẩn thẩn quá. Ông thử nghĩ xem thằng Nimal như thế nào khi chưa quen con Soma. Mà mỗi khi nói chuyện con cái ông đều nói lung tung.


Có bốn chàng trai tới làm quen với Malini. Hai trong số đó Malini gạt ngay, hai cậu còn lại được nó để ý. Một là chủ xí nghiệp nhỏ ở Ambalagodu và người kia là giáo viên phổ thông ở Gampolia. Anh chàng chủ xí nghiệp nghe có vẻ có tiếng đấy, nhưng tôi không thể ưa anh ta được. Ai thích nổi một chàng rể khi tới nhà chơi sặc sụa mùi rượu? Simimana, anh thầy giáo có vẻ lễ độ và được lòng mọi người, kể cả Malini. Và Malini đã chọn anh này. Vẻ rụt rè, tính điềm đạm của anh ta đã chinh phục được tôi và bà Sumanavati.

Mặc dù Nimal thường xuyên cãi nhau với Malini, nhưng nó nhận phần lớn công việc chuẩn bị cho đám cưới. Cùng với mấy đứa bạn nó quét vôi lại các bức tường, cắt tỉa bờ rào cẩn thận. Nó đưa một người quen về trang trí cái phông cưới rất đẹp và độc đáo. Nó đi in thiếp, thuê một phòng riêng trong tiệm ăn ở Borela. Nó còn đàm phán với ông chủ nhà hàng cho mượn hẳn chiếc Opel mới tinh của ông ta.

Mấy hôm trước đám cưới Malini xin nghỉ phép ngồi nhà may áo cưới. Nó ngồi trong phòng mình vừa vui vẻ hát vừa đạp máy khâu. Mười, mười lăm phút nó lại chạy vào bếp chỗ bà Sumanavati: “Mẹ, mẹ xem cái áo này thế nào? Có lẽ phải cắt ngắn bớt tay áo nhỉ?”. Bà Sumnavati âu yếm vỗ về Malini như một đứa trẻ. Thỉnh thoảng bà pha trà đem vào cho nó. Ngồi xuống ăn cơm việc đầu tiên là bà xới đầy đĩa cơm mang vào phòng cho con gái, đứng nhìn nó ăn, chốc chốc lại giục: “Ăn ngon không? Cố ăn hết đi con”. Đôi lúc tôi cũng nghé vào phòng Malini, căn phòng giống như một xưởng may: khắp nơi vung vãi vải vụn, lõi chỉ, những mảnh áo may dở. Malini dừng tay giây lát, mỉm cười với tôi rồi lại cúi xuống lúi húi may. Ôi Malini. Cái con Malini sáu bẩy năm trước đen cháy, chạy rông khắp sân, leo cây cối. Một con bé hay gây gổ và cục tính tới mức bọn con trai cùng tuổi cũng phải sợ. Ấy mà hai, ba ngày nữa nó đi lấy chồng đấy.

Hôm cưới đường bị tắc, suốt quãng đường tới tiệm ăn chúng tôi ngồi xe mà đi chậm như đi bộ. Khi xe tới Borella, bà Sumanavati chỉ bác Karolis cho tôi. Bác ta đang đứng ở mép vỉa hè, đưa mắt nhìn theo xe tôi. Tôi vẫy tay gọi, nhưng bác không nhận ra hoặc làm vẻ không nhận ra.

23

Trong phòng tiệc khu vực bàn chúng tôi bao trùm không khí náo nhiệt. Các bức tường được trang trí bằng những cành cọ. Quanh bàn là các bà áo váy sari lộng lẫy sắc mầu, các ông ăn vận lịch sự. Đầy đủ bạn bè của Malini và chú rể, họ hàng và bạn bè của vợ chồng tôi. Mọi người trò chuyện, cười đùa huyên náo. Ông Ratnapala, giám đốc cũ của tôi cũng tranh thủ ghé qua.

- Hôm nay là ngày vui của ông, Nandasena.

- Vâng, thưa sếp.

- Cháu út nhà tôi cũng chưa lập gia đình. Mong sao gây dựng cho nó xong trước khi về hưu.

- Tôi cũng sắp về hưu rồi sếp ạ.

- Ông năm nay bao nhiêu rồi, Nandasena?

- Năm bẩy.

- Trông ông hãy còn trẻ. Thôi, tới lúc tôi phải đi rồi, Nandasena. Xin chúc ông và gia đình những lời chúc tốt đẹp nhất.

- Cám ơn sếp đã tới dự. - Tôi chắp tay vái chào ông Ratnapala.

Vợ chồng Malini phải đi lúc sáu giờ, còn mười lăm phút nữa. Khách khứa đang về dần. Một nỗi buồn lạ lùng pha lẫn thất vọng xâm chiếm tâm hồn. Tôi đứng ở cửa tiễn khách. Ngoài đường những cánh cửa ô tô đóng sập lại. Gian phòng trống vắng. Malini bước đến bên tôi, quỳ xuống. Bà Sumanavati nức nở. Vợ chồng tôi tiễn Malini và Sirimanna ra xe, rồi đứng nhìn theo chúng hồi lâu. Bà Sumanavati lấy chiếc khăn tay nhầu nát chấm nước mắt, chúng tôi chậm chạp lê bước về nhà.

(Còn nữa)

Nhận xét