Đàn chim (2)




Khitri rất thích làm đồ chơi. Nó là đứa bé khéo tay. Nó đem những bao thuốc lá cắt thành những bông hoa sen, gấp những chiếc ví nho nhỏ. Mỗi khi đi làm về, tôi thường ghé vào chỗ mấy người bán hàng quen xin các bao thuốc thuốc đã hết mang về cho nó. Từ mấy cái lõi chỉ, đoạn nến cháy dở, vài đoạn dây cao su thằng bé mầy mò chế tạo ra những chiếc máy kéo. Cái lon đựng sữa bột rơi vào tay nó chỉ nửa tiếng sau đã biến thành cây đèn ngộ nghĩnh. Có cả một hòm đựng đầy những thứ Khitri làm. Nào chó, mèo, thỏ, bộ bàn ghế xinh xinh, máy kéo… Hiên nhà tôi chăng đầy những dây hoa do nó cắt. Dịp tết Đoan ngọ nó tết cho bọn trẻ con hàng xóm những chiếc giỏ hoa rất xinh. Nhìn những ngón tay con chuyển động khéo léo, tôi luôn nghĩ tới câu tục ngữ: “Anh điếc thì nhìn tinh nhất”. Có lẽ Khitri khéo tay đến thế chỉ vì nó không đi được.

- Này con, để ba mang mấy thứ này ra cửa hàng nhờ bán nhé - có lần tôi đùa.

- Đừng, ba ạ - nó phản đối.

- Ba con mình sẽ bán chúng đi, được tiền đấy.

- Nhưng con cần tiền làm gì hở ba?

Lúc tôi mải nghĩ tới đứa con út, trời đã xế chiều. Bóng cây đổ dài trên mặt đường, mấy người lỡ xe vội vã rảo bước trên hè phố. Bác phu sở nhà đèn đạp xe đạp tới từng chiếc cột điện, lấy cây gậy một đầu có chiếc móc nhỏ ngắc cầu dao đóng xuống rồi phóng xe đi tiếp. Ngọn đèn đường nhấp nháy mấy giây rồi bừng sáng. Có tiếng động đằng sau lưng. Ngoái lại tôi thấy Nimal đứng ở ngưỡng cửa gần hiên. Nhìn nụ cười rụt rè của nó, tôi đoán ngay anh chàng định xin xỏ điều gì đây. Và đúng vậy, đưa mắt nhìn chỗ khác Nimal ấp úng:

- Ba ơi, con cần một đôi giầy đá bóng!

- Ờ, để ba xem. Có thể cuối tháng ba sẽ mua.

- Để ba xem, để ba xem… Tháng trước ba cũng nói như thế. Hoá ra ba chỉ dối con…

Tôi bối rối chớp mắt.

- Cả lớp con đi tập - nó nói tiếp - Mỗi mình con không đi. Chẳng lẽ ba không kiếm nổi ba chục rupi hay sao?

- Hay ba mua cho con một đôi dùng rồi được không?

- Con không dùng đồ cũ. Bạn bè sẽ trêu chọc con, tốt nhất đừng để chúng đem ra làm trò cuời.

- Nhà mình phải chi tiêu có kế hoạch con ạ. Con biết ngày xưa đi học ba mặc quần áo gì không? Quần cộc, áo cánh.

- Thời buổi bây giờ khác rồi… Thế ba có mua giầy cho con không nào?

Bà Sumanavati bước ra hiên

- Mày quấy phá gì ba thế? - bà ấy quát Nimal - Liệu hồn đấy!

Nimal xa xầm mặt. Nó đứng ngoài hiên thêm một lát, rồi vừa cắn móng tay, vừa vùng vằng bỏ vào nhà. Tôi bỗng thấy hối hận. Nimal là một vận động viên cừ. Năm ngoái nó đã giành được hai giải thưởng thi đấu thể thao của trường. Thật có lỗi khi không ủng hộ con cái khi nó say mê thể thao. Mà thời buổi này có bằng tốt nghiệp phổ thông chưa đủ. Khi xin việc nhất định người ta sẽ hỏi xem anh có tập luyện môn thể thao nào không, có chơi criket, bóng đá hay khúc côn cầu trên cỏ không. Nhưng vấn đề lúc này - đào đâu ra ba mươi rupi. Bà Sumanavati chỉ còn đủ tiền tiêu đến cuối tháng. Tất nhiên ở chỗ tôi làm cũng có người cho vay lãi, nhưng quan hệ với những người ấy thật khó chịu. Vả lại cả đời tôi chưa vay ai đồng kẽm nào. Sao nhỉ, nếu mình hỏi vay con Malini ba mươi rupi? - ý nghĩ ấy thoáng qua đầu tôi. Tiền lương nó vẫn giữ tất, chẳng hề đưa vợ chồng tôi xu nào. Thật tình tôi cũng chẳng phê phán nó. Mặt mũi nào lấy tiền của con cái chi tiêu việc nhà. “Con nó nghĩ sao khi mình hỏi vay nó nhỉ? - nhưng rồi tôi lại tự nhủ - Ôi dào, nghĩ gì kệ nó, bố con chứ đâu phải người dưng nước lã, mà mọi người phải có trách nhiệm với nhau chứ. Vả lại nhất định mình sẽ trả lại nó.”

Tôi chậm rãi bước tới cửa phòng con Malini và ngó vào. Cô con gái đang khoanh chân ngồi trên gường khâu vá gì đó. Dùng dằng một lúc, tôi đã định bỏ đi. Malini là đứa bẳn tính, khi cáu nó thường nói năng thô lỗ, xấc xược cả với tôi và mẹ nó. Không phải vì nó là đứa hỗn láo mà chỉ do tính nó thiếu tự chủ. Cuối cùng cố gắng lắm tôi mới bước vào phòng.

- Malini này, con có tiền cho ba mượn tạm ba mươi rupi. Có việc cần đột xuất.

- Giữa tháng thế này con lấy đâu ra?

- Nhất định ba sẽ trả lại con

Malini ngạc nhiên nhìn tôi.

- Con để dành được một ít, định may cái áo sari mới - nó nói sau một lúc suy tính, rồi mở vali lôi dưới đáy lên ba tờ mười rupi - Nhưng bao giờ ba trả?

- Ba cố gắng trả thật sớm.

Trước khi đưa tôi tiền, nó đếm lại một lần nữa.

Bước ra khỏi phòng Malini lòng tôi đau thắt. Trong tôi như có đá đè nặng. Vay tiền Malini - một việc chẳng hay ho gì. Bản thân tôi từ nhỏ đã có thói quen tiết kiệm tiền. Hồi còn đi học không bao giờ tôi tiêu vặt quá năm cents. Tôi chỉ cho phép mình lãng phí một chút vào dịp Tết khi cha tôi cho hẳn một ruppi rưỡi. Cha tôi làm nghề nông, cấy lúa, gieo trồng trên mảnh ruộng được chia. Gia đình có bốn người con, kể cả tôi. Mấy người anh vẫn theo nghề nông, chỉ có tôi là công chức nhà nước. Cuộc sống gia đình tôi hồi ấy không thể nói là sung túc được. Tôi có độc một bộ quần áo để thay - một chiếc quần cộc và chiếc áo cánh. Nhiều khi vài tháng chẳng có tiền cắt tóc, đành để tóc mọc chờm xuống vai. Cơm chỉ có vào bữa tối, bữa trưa cả nhà ăn bánh sắn, khoai lang và dừa, còn buổi sáng mỗi người chỉ được một bát canh đậu. “Này, Nando! - tôi nhớ mẹ thường bảo - con chạy ra ngoài bờ kênh hái mấy trái dừa. Hết đồ ăn rồi. Ôi, lạy trời, lạy phật”. Phải, tôi đã từng chịu nhiều khổ cực trước khi có được cuộc sống hiện tại.

Bà Sumanavati vẫn nghĩ trưa tôi ăn cơm ở sở. Quả có vậy, nhưng từ lâu rồi. Mà tôi cũng chỉ mua xuất cơm rau thôi - cá và trứng đâu dám bỏ tiền. Còn bây giờ phải nuốt vội nuốt vàng chiếc bánh mì trong cái quán ăn chật chội nằm đối diện sở. Rồi làm một điếu thuốc cuốn, thuốc lá bao tôi chỉ mua vào những dịp thật đặc biệt. Quần áo của tôi bà Sumanavati giặt lấy và đem là bằng chiếc bàn là than cũ kĩ. Chỉ có quần áo của Malini mới mang ra tiệm giặt. Và mặc dù đã tiết kiệm đủ kiểu, cuộc sống của gia đình vẫn thiếu trước, hụt sau. Trả tiền nhà và thanh toán cho bác chủ quán tiền mua hàng chịu cả tháng là chẳng còn đồng nào. Tháng vừa rồi tôi may được chiếc áo sơmi trắng và chiếc quần tây, nhưng ròng rã mấy tháng tôi phải bớt lại một nửa số tiền vợ đưa ăn trưa.

Nhưng tôi vẫn hy vọng có ngày số phận sẽ mỉm cười với mình.



Ngày mai Sarat bắt đầu kì thi tuyển vào đại học. Hôm kia tôi đã sang tận Kalapaluvava tìm ông thầy bói quen nhờ ông ấy xem giờ tốt để Sarat xuất hành. Bà Sumanavati từ hôm trước đã giặt sạch sẽ, là cho con bộ quần áo trắng, còn tôi tự tay đánh đi, đánh lại đôi giầy của nó.

Đối với tôi việc Sarat vào đại học có ý nghĩa vô cùng quan trọng vì hai lý do. Thứ nhất, với tấm bằng đại học nó có thể kiếm được chỗ làm tốt. Hai là: đó là vinh dự của cả nhà. Nếu nó thi trượt, gia đình tôi sẽ khá vất vả. Hàng xóm, trừ nhà ông Sirisen, và nhiều người khác sẽ hí hửng mừng thầm. Loại người như vậy chẳng thiếu. Người khác có chết trước mặt, họ cũng làm ngơ.

Sau bữa cơm tối, tôi và bà Sumanavati nói chuyện rất lâu với Sarat. Từ lâu tôi đã nhận thấy Sarat rất lo lắng chuyện này.Khi tôi cho tiền mua sách, dù chỉ thừa vài cents nó đều đưa trả lại vì biết vợ chồng tôi vất vả. Con Malini thì hoàn toàn khác - ngay từ khi còn đi học nó đã biết vòi bà Sumanavati tiền mua kẹo bánh, nhưng không tiêu mà cất đi để dành.

- Con tin mình sẽ thi đỗ - Sarat nói - nhưng con lo chuyện khác. Nếu nhập trường con phải ở nội trú trong thành phố, và ba mẹ phải chu cấp hoàn toàn, chẳng hề ít đâu.

- Đừng nghĩ tới chuyện đó con ạ - tôi an ủi nó - Dù gia đình mình có khó đến mấy cũng nhặt nhạnh được đủ thôi.

Bữa sáng bà Sumanavati dậy nấu chè. Nhà còn ít gạo nếp ngon để dành đã lâu, bà ấy thường lấy lấy chỗ gạo ấy thổi xôi buổi sáng. Gạo cấp theo sổ dạo này chỉ dặt một thứ gạo xấu. Sáng nay quanh bàn ăn không khí khác hẳn mọi ngày - cả nhà đều lặng thinh. Bà Sumanavati thết chúng tôi một bữa chè no nê. Ông thầy bói ấn định giờ xuất hành là tám rưỡi nên Sarat không vội lắm. Trong bộ đồ trắng Sarat ngồi ngoài hiên. Tóc trải rẽ ngôi, ánh mắt cương nghị cả quyết, vần trán cao sáng sủa, ai cũng bảo chắc chắn đó là biểu hiện của trí tuệ.

- Đây cho con. Buổi trưa nhất định phải ăn đấy nhé. - tôi đưa Sarat hai rupi - Con mang đủ bút máy và bút chì chưa?

- Rồi ạ.

- Con cầm lấy cái đồng hồ.

- Để làm gì ạ?

- Thì cứ cầm lấy

Đúng tám rưỡi Sarat bước qua những bậc thềm xuống sân. Cả nhà tôi đứng trên hiên nhìn theo nó.

(Còn nữa)

Nhận xét