Đàn Chim (10)






10.

Nimal bỏ nhà ra đi. Nó không đi một mình mà cùng với Soma. Chuyện đó chẳng mấy chốc lan ra khắp phố, đến bọn con nít cũng kháo nhau: “Mày biết không anh Nimal bỏ nhà đi với gái rồi đấy!”. Lần cuối cùng tôi thấy Nimal hôm cưới Malini, lúc hai giờ chiều. Sau đó nó biến mất, lúc đó nhộn nhạo không ai để ý. Bữa tối không thấy nó về. Hôm sau cũng vậy. Chuyện này chẳng lạ vì nó thường bỏ đi hai, ba ngày. Cho tới khi nghe tin con Soma cũng bỏ nhà đúng hôm cưới Malini tôi mới hiểu chắc thời gian tới không còn trông chờ Nimal về nữa. Gặp tôi ngoài phố ai cũng hỏi: ”Có tin tức gì của Nimal chưa?”, “Nimal vẫn chưa về à?”, “Nó có thư từ gì về không?” - “Chẳng thấy tin gì cả”, “Nó chưa về, mà thư cũng chẳng thấy” - tôi đáp, thầm mong chấm dứt câu chuyện nặng nề này. Bà Sumanavati khóc xưng cả mắt. Tôi cố an ủi bà ấy, nhưng chẳng thuyết phục nổi. Mấy hôm liền tôi với ông Sirisena - hiện giờ ông ấy vẫn chưa chuyển về chỗ con gái - đi khắp Kolombo, hỏi thăm những người quen, nhưng chỉ nghe một câu trả lời “Thế Nimal bỏ nhà à? Lạ thật! Giá ai nói mình đã không tin”. Tôi tới đồn cảnh sát ở Velikada - nơi có người quen làm nhân viên - nhưng câu trả lời thật rối cả ruột ”Chúng tôi không thể làm được gì, thưa ông Nansadena. Cả Nimal và cả cô Soma bỏ nhà đi đều đã tới tuổi thành niên”.

Ngày ngày tôi vẫn tới công sở như trước. Ở đó mọi chuyện vẫn như cũ. Những chiếc quạt vẫn quay tít trên trần. Điện thoại vẫn reo vang. Nhân viên vẫn chạy đi, chạy lại. Nhưng hình như có một bức tường câm lặng ngăn tôi với với khung cảnh ấy. “Giờ này Nimal ở đâu? Có chuyện gì xảy ra với nó không? Malini hiện giờ sống thế nào?” - tôi suy nghĩ mung lung. Ra bến xe bus tôi đứng lạc lõng một mình, đắm chìm trong suy tư đến mức bỏ lỡ hai, ba chuyến xe mới sực tỉnh, đứng xếp vào hàng người.

Tôi và bà Sumanavati đau khổ vì Nimal bỏ đi, còn Sarat thì phẫn nộ.

- Con không dám ra phố nữa. Ai ai cũng chỉ chỏ.

- Mày không đi được thì bay – bà Sumanavati cắt ngang. Bà ấy không cho phép bất kì ai lên án Nimal.

- Đến thế là cùng - Sarat lầu bầu - Giá đi thoát khỏi nơi này. Lúc khổ sở vì chuyện Vidjesundura bỏ rơi Malini. Chưa xong chuyện này lại rấp vào chuyện khác.

- Im mồm đi, Sarat! Mày thích thì đi đi.

- Con sẽ đi. Rồi mẹ thấy.

- Thì mày cứ việc đi. Có công ăn việc làm rồi. Tự lập được rồi. Chúng tao đã làm cho mày tất cả những gì làm được, bây giờ tất nhiên là mày chẳng cần chúng tao nữa.

- Thế ba mẹ làm được điều gì cho tôi nào? - Sarat phì một tiếng.

Tôi điếng cả người như thể cả cái mái nhà đổ sập xuống đầu. Vì sao các con bỏ chúng tôi ra đi? Bây giờ tôi và bà Sumanavati không cần cho đứa nào nữa, chỉ như thứ đồ cũ vứt đi! Tôi bước ra sân. Chân không đứng vững, tôi ngồi xuống chiếc ghế băng dưới gốc cây ôliu. Con Trenus vẫy vẫy đuôi chạy lại. Nó cũng già rồi. Lông rụng từng mảng trên lưng. Suốt ngày nó nằm ngủ trên thềm. Nếu có ai vào cổng nó không vừa sủa vừa lao ra như trước, mà chỉ nghếch mõm ăng ẳng vài tiếng rồi gục xuống ngủ tiếp.

Một chiếc taxi dừng lại trước cổng nhà tôi. Ông hàng xóm Rodrigo đã về. Ông ấy làm việc ngành đường sắt, thường xuyên bận phải về muộn. Đứa con gái ông ấy dan díu - không thể tìm từ nào khác được - với một gã ở Nuggota. Còn hai đứa con trai dính líu tới chuyện lưu manh gì đó nên bị đuổi học, giờ ngồi nhà. Vậy mà ông ấy chẳng hề thấy đau khổ. Thỉnh thoảng ông ấy về nhà chếnh choáng hơi men, và một lát sau vọng sang tận nhà tôi tiếng la hét, tiếng đập bát đĩa ầm ầm. Nhưng ngay hôm sau lại thấy vợ chồng ông ấy âu yếm nhìn nhau như một cặp tân hôn, cùng đi xem phim hay đi khiêu vũ. “Lạy trời, chúng ta không như họ. Chúng ta làm tất cả vì con cái. Tôi đã quen nghĩ như thế, giờ giật mình như bị đánh khi nhớ tới câu nói của Sarat “Thế ba mẹ đã làm gì cho tôi nào?”

Bà Sumanavati đã đúng khi nói rằng Nimal tuy thô lỗ và ương bướng nhưng nó tốt bụng nhất trong số các con. Sarat khác hẳn. Nó tiết kiệm đến keo kiệt. Không ai trong nhà biết lương tháng nó được bao nhiêu. Nó chẳng hề giúp đỡ mẹ. Sarat không biết đến từ ”nhà mình”, nó chỉ biết “tôi”, “của tôi”, ”cho tôi”.

Thỉnh thoảng tôi mở cửa vào phòng Nimal hay Malini. Bà Sumanavati chẳng bao giờ quét dọn những căn phòng ấy, khắp các góc nhà phủ đầy bụi, mạng nhện. Đi đi lại lại hôi lâu trong phòng, tôi bước ra, khép lại cánh cửa đằng sau lưng. Ba tháng trôi qua từ ngày Malini lấy chồng. Tôi đã tới thăm nó hai lần. Nhưng trong căn nhà mới của nó tôi thấy không ấm lòng nên chẳng ở lại chơi lâu. Suốt thời gian ấy nó không viết cho mẹ lấy một dòng thư.

Khitri đã lớn. Vẻ mặt nó vẫn nghiêm nghị, đăm chiêu. Tóc xoăn bết từng lọn. Bệnh hen của nó nhờ chữa bằng thuốc đông y cũng gần khỏi hẳn. Nó là đứa hay nhắc tới Nimal nhiều nhất. Thật kì lạ, Nimal thường bắt nạt nó - khi thì xin, khi thì lấy trộm tiền bỏ ống, làm hỏng đồ chơi, hoặc tròng ghẹo nó - vậy mà bây giờ Khitri buồn nhớ anh. Quả thật, Nimal yêu Khitri theo cách riêng của mình. Tôi nhớ có lần nó đánh một đứa bé chỉ vì thằng kia gọi Khitri là “gốc cây cụt”. Một hôm dọn dẹp đống sách vở của Nimal, Khitri tìm thấy một bức thư, kiểu chữ tròn của con gái viết trên giấy hồng. Chẳng nhìn chữ kí cuối thư tôi cũng biết ngay là thư của ai.

“Nimal, cuộc đời của em!

Anh không dám đi cùng em, không muốn bỏ cha mẹ mình. Còn với em không có ai ngoài anh tồn tại trên cõi đời này. Cha mẹ anh sẽ không bao giờ để anh và em sống với nhau. Họ nghĩ tới danh dự nhiều hơn nghĩ tới em và anh. Chúng ta biết làm gì hở anh? Hãy bỏ nơi này ra đi. Em đã dành dụm được ít tiền. Em sẽ lao động và chúng mình sẽ sống thôi…”

Tôi vò nhàu bức thư, không đọc đến hết.



Một hôm trước khi đi làm, tôi đang ngồi uống trà một mình, bà Sumanavati kéo ghế xuống ngồi bên cạnh, bà ấy trách tôi dạo này ăn ít, rồi bảo:

- Sarat muốn nói chuyện với ông.

- Chuyện gì?

- Nó định sang Anh. Nó hỏi liệu tôi với ông có giúp được nó ít tiền không.

- Sang Anh? - tôi suýt làm rớt chén nước khỏi tay.

- Phải, nó bảo có thể học thêm nghề cơ khí ở Anh. Với chuyên môn ấy hãng nào chả mở rộng cửa đón nhận - bà Sumanavati thở dài nói tiếp - Ngày nó về chắc cỏ xanh trên mộ tôi với ông rồi.

- Phải cân nhắc chuyện này kĩ càng - tôi vừa nói vừa đứng dậy.

- Tôi không thích dự định ấy của nó - bà Sumanavati thở dài.

Tâm trạng vô cùng bối rối, chẳng biết vui hay buồn, tôi rời nhà đi làm. Buổi sáng thật tuyệt vời. Bầu trời xanh ngắt vương những dải mây trắng mỏng manh. Tôi chợt nhớ tới ngày đầu tiên đi làm khi chuyển tới Kolombo, khi ấy lòng tôi tràn ngập niềm vui. Khi Sarat đã an phận trong bộ đồng phục của hãng Brown, trong tôi lại sống dậy niềm hy vọng ngày nào. Đấy, ông phó giám đốc của tôi đó. Ông ấy chỉ là một công nhân bình thường. Thế nhưng mọi người đều xun xoe tô vẽ những phẩm chất ảo của ông ta. Vì sao vậy? Lý do duy nhất vì ông ấy học bên Anh. Điều này giống hệt các bức tượng Phật bằng đất. Những bức làm làm tại Saylan giá bán năm mươi cents. Nhưng cũng những bức đó, nếu dán nhãn nước ngoài họ bán không dưới hai rupi rưỡi. Kiểu sùng ngoại đã ăn sâu vào đầu một số người.

Con trai một người quen của tôi ở Nugotta sau hai năm rưỡi lang thang bên Nhật, hiện giờ làm ở Quốc gia nghiệp đoàn và hái ra tiền. Nhưng trước kia ở đây, ở Saylan này, nó không thi nổi vào trường cao đẳng…Tôi lại mơ ước…Qua hai bến ô tô tôi đã mường tượng Sarat từ Anh trở về, các hãng phất nhất đua nhau đưa lời chào mời đầy cám dỗ. Một bến nữa tôi thấy Sarat lái xe hơi lộng lẫy, và sau đó…Sau đó tôi phải xuống xe, và đoạn đường công danh của Sarat gẫy đứt…

Chiều hôm đó, sau một thời gian dài cả nhà tôi cuối cùng lại cùng ngồi quanh bàn. Dạo vừa rồi tôi, bà Sumanavati và Khitri thường ăn trong bếp. Chiều nay Sarat định thoái thác là đã ăn cơm ở nhà bạn, nhưng khi thấy mâm cơm vẫn để nguyên, thấy bà Sumanavati rầu rĩ xới cơm và sẻ món gà carri vào đĩa cho mọi người, nó hiểu chúng tôi đang chờ nó nên không nói năng gì, lặng lẽ ngồi xuống cạnh tôi. Tôi và bà lão xới cơm, san thịt gà, nước sốt vào đĩa cho nó.

- Bao giờ con đi, Sarat?

- Nếu mọi chuyện ổn thoả thì vào tháng Năm.

- Giờ đã tháng Tư rồi - bà Sumanavati giật giọng. Tôi và Sarat phá lên cười.

- Mẹ sao thế. Bây giờ mới tháng Hai.

- Đầu óc tao lẫn lộn hết cả.

- Con cần bao nhiêu tiền đi đường? - tôi hỏi.

- Đây sang bên ấy khoảng hai nghìn.

- Thế con định sống và học tập bên ấy thế nào? - tôi hỏi, sực nhớ ra cuối cùng mình cũng quan tâm tới thực tại.

- Con đang định xin việc như Wilson bạn con. Buổi tối nó rửa bát ở tiệm ăn, buổi sáng đi học. Nó viết thư nói những việc như vậy dễ kiếm lắm.

Tôi suýt thốt lên - hoá ra mọi việc không đơn giản như tôi nghĩ.

- Con định ở bên ấy bao lâu?

- Hai năm.

- Thế tao với ba mày ở nhà một mình à?

- Sao lại một mình, còn Khitri ở nhà với ba mẹ đấy thôi. Hai năm trôi qua nhanh thôi. Ngoảnh đi ngoảnh lại con đã ở nhà rồi.

(Còn nữa)

Nhận xét