Đàn chim (4)




Ở sở có tin đồn Ratnapala, trưởng phòng của chúng tôi sắp bị chuyển đi nơi khác. Tin đó làm tôi buồn. Thủ trưởng như ông cả nghìn người mới có một. Ai có khó khăn gì, ông ấy luôn sẵn sàng giúp đỡ. Ông chưa bao giờ từ chối nghe người khác góp ý. Ông chưa kỉ luật ai vì đi làm muộn, mà chỉ gặp người đó nhắc nhở, thế là sự việc ổn thoả. Không có trường hợp nào bị ông cúp lương hay phạt tiền.

Sở tôi cũng giống như một gia đình cũng có những kẻ độc địa. Các sếp tốt bụng thường không ở chỗ chúng tôi được lâu. Có ông chỉ một tháng, tháng rưỡi là đã phải chuyển. Người trụ được nửa năm. Riêng ông Balashinkham - người Tamin từ Jafola tới - lãnh đạo phòng tôi được một năm. Khi nói chuyện không bao giờ ông sử dụng tiếng Anh, dù rất khó khăn nếu chỉ nói bằng tiếng Singan. Ông ấy muốn khuyến khích mọi người dung tiếng Singan. Những kẻ không ưa ông Balashinkham liền gửi thư, đơn kiện tới các cấp khác nhau, kể cả lên bộ. Nhiều người phản đối chỉ với lí do ông là người Tamin. Điều gì chứ âm mưu chỗ tôi không thiếu. Một lũ người nhỏ nhen, đố kị, vô dụng, và độc ác. Còn tôi, thực ra chẳng có gì phải phàn nàn. Họ đối với tôi lịch sự và thân thiện, chưa làm điều gì đê tiện với tôi. Nhưng họ tìm mọi cách ngáng chân nhau. Không riêng gì các ông, đám phụ nữ cũng vậy. Nếu vợ hoặc em gái một nhân viên nào phải tới đây, đám phụ nữ lập tức quây lấy chị ta. Nếu khách bế con theo - thì thật huyên náo. Trước khi người mẹ kịp định thần, họ đã giằng phắt lấy đứa bé, chuyền nhau bế, sờ nắn, hôn hít, đem bánh kẹo ra dỗ dành. Nhưng đó chỉ là bề ngoài. Chỉ cần người khách đi khỏi, những chuyện ngồi lê đôi mách diễn ra ngay. Các bà thi nhau bình phẩm, xúc xiểm: “Các chị có để ý đứa bé mặc gì không? Toàn loại lụa rẻ tiền. Một rupi hai lăm cents một thước. Không hề có một thứ trang sức nào hết. Mà chẳng tắm rửa thì phải. Hôi đến mức chẳng dám tới gần. Giầy mòn vẹt, thòi cả ngón chân ra. Hoa tai chẳng ra hồn, bong sạch cả lớp mạ.” Vân vân và vân vân. Một bận có cô văn thư mới tới chỗ tôi làm. Được khoảng một tuần, hôm đó đi ăn trưa về, tôi quay lại văn phòng thấy cô đang nức nở khóc. Cô làm tôi nhớ tới con gái mình, nên tôi liền tới gần, nhẹ nhàng hỏi xem có chuyện gì xảy ra. Hoá ra ba hôm liền mỗi ngày đi làm cô mặc một bộ áo sari mới, thế là họ xầm xì bàn tán như thể quần áo và đồ trang sức của cô là do nhân tình cho. Quả thực lời nói nhiều khi còn tệ hơn dao đâm sau lưng. Nói chung sở tôi chẳng phải là ngoại lệ, ở đâu cũng vậy thôi.

Mọi người quyết định tổ chức một buổi chia tay ông Ratnapala. Lúc này người nào cũng nói chuyện đó. Nhưng không ai thử nghĩ ông Ratnapala là thủ trưởng tốt như thế nào. Người ta thường lẫn lộn lòng tốt, sự mềm mỏng với tính nhu nhược và sự thờ ơ. Nếu thủ trưởng bóc lột, ngựợc đãi người dưới quyền thì họ sợ và kính nể ông ta. Nhưng ông Ratnapala không hợp với vai thủ trưởng kiểu đó. “Không sao, rồi họ sẽ hiểu họ mất một người như thế nào!”. Tôi thầm nghĩ, không khỏi vui thích một cách độc địa. Cậu Sirisoma cầm tờ giấy đến bên bàn tôi.

- Bác Nandasena! Chúng cháu quyết định tặng ông Ratnapala một cái khay bạc giá hai lăm rupi. Bác có thể góp bao nhiêu?

Tôi lấy tờ danh sách nhân viên cậu ta đang cầm và điền vào dòng tên mình: “Năm rupi”. Tôi sẽ vui nếu có thể đóng góp gấp mười lần thế, nhưng tôi đang túng quá. Tôi tự an ủi mình đã góp với tất cả tình cảm chân thành, mà quà tặng dù chỉ một cái kim cũng quý.

Đúng giờ quy định phòng họp cơ quan chật ních người. Nhiều ông đem cả vợ tới. Vì không muốn ló mặt, tôi lẩn vào một góc thật xa. Quang cảnh huyên náo ấy không hợp với tâm trạng của tôi. Nó có gì khoe khoang giả tạo. Trong số người kia có biết bao kẻ thích viết các loại đơn khiếu kiện! Chỉ một sơ xuất nhỏ - đơn từ đã tới tấp bay lên bộ. Và khi cấp trên kỉ luật, chuyển người đó tới chi nhánh tỉnh lẻ, họ lại la ó ầm ĩ rồi đành khoanh tay chấp nhận. Bây giờ liệu ai thấy phải cần viết đơn để ông Ratnapala được ở lại. Chắc chẳng ăn thua gì. Khiếu nại và vu khống là thứ vũ khí được mài chuốt đến hoàn thiện, vậy tại sao không sử dụng thứ vũ khí ấy vào những việc thiện.

Sáu rưỡi ông Ratnapala cùng vợ đi xe tới. Khi họ bước vào phòng, tiếng trò chuyện ngừng bặt, mọi người đứng cả dậy.

Như thường lệ mở đầu là những lời phát biểu, trao quà kỉ niệm, rồi tất cả ùa ra sân, ngồi vào bàn. Bốn anh phục vụ bưng món khai vị lên. Mọi người dồn lại quầy đồ uống. Các dẫy bàn la liệt những chai rượu, bia và chẳng mấy chốc không khí trang trọng ban đầu biến mất, nhường chỗ cho bầu không khí ồn ào, náo nhiệt, khắp nơi âm vang tiếng cười, tiếng trò chuyện rôm rả. Ông Ratnapala đi vòng quanh các bàn, thân mật chia tay mọi người. Ngồi một lúc tôi định ra về, nhưng đám thanh niên giữ tôi lại.

- Bác đi đâu, uống với bọn cháu đã.

- Không, không. Tôi không uống được rượu.

- Không sao đâu. Có phải ngày nào bác cháu mình cũng có dịp ngồi uống với nhau đâu. Cốc bác đây, rượu nhẹ ấy mà, như nước gas thôi.

- Thôi đừng, các cậu chưa vợ con, làm gì chả được, đến lúc tôi phải về rồi. Đừng ép.

- Bác Nandasena! Mỗi bác có vợ thôi sao. Bác thấy không mọi người ai cũng vui à. Nhất định bác phải uống, nếu không bọn cháu ép đấy.

Ông Ratnapala bước đến chỗ chúng tôi.

- Không nên thế, ông Nandasena! Ta nâng cốc nào, nếu không đến chỗ mới tôi không gặp may đâu.

Không thể từ chối ông Ratnapala tôi nhắm mắt nốc cạn ly rượu. Trong ngực như có lửa đốt, nước mắt giàn rụa, tôi vớ vội miếng phoma và nhai. Ly tiếp theo tôi uống hầu như không nhăn mặt. Có ai rút thuốc mời, tôi châm một điếu rồi đưa mắt nhìn xung quanh.

Cuộc vui đang vào lúc sôi động nhất. Các cậu thanh niên quây ghế thành một nhóm thi nhau rót rượu. Phía bên kia các cô gái vừa vỗ tay vừa hát bài gì đó. Giữa các dãy bàn một đám đông các ông, các bà đang nhảy điệu baila, trông họ như những con bút bê lên dây cót. Trong số đó có cả ông Ratnapala. Mọi người quên hẳn lí do họ tới đây. Tôi thấy ngạt thở, người nhớp nháp mồ hôi. Bỗng nhiên tôi thấy mình tự tin và liều lĩnh lạ thường. Nhưng chưa kịp thưởng thức cảm giác hân hoan ấy xung quanh tôi mọi vật - đèn nến, bàn ghế, chai cốc, mọi người bắt đầu chao đảo. Định thần một lát, tôi loạng choạng đi ra cửa. Có ai cười ré lên. Cho dù lúc này chẳng ai để ý đến ai, nhưng tôi vẫn đinh ninh họ đang cười nhạo mình. Co rúm người lại, tôi lẻn ra phố.



Khi tôi về đến nhà, các ô cửa sổ đã tắt hết đèn. Tôi đứng hồi lâu bên cánh cổng, đăm đăm nhìn vào bóng tối, không dám bước vào sân. Cơn say đã qua, tôi chỉ còn thấy nuối tiếc. Mình đã vui chơi như thể chẳng con cái, chẳng gia đình. Cố gắng bước thật khẽ, tôi lên hiên rồi lẻn vào phòng mình, lấy vai đóng cánh cửa lại. Vợ và thằng Khitri đang chờ tôi trong phòng.

- Bà đừng trách. Thú thực tôi cũng chẳng hiểu sự thể ra sao. Mọi người cứ ép uống, không sao từ chối được. - Tôi phân vua.

- Ông ăn chút gì đi. Cơm phần trên bàn ấy.

- Chẳng muốn ăn chút nào.

- Cố ăn đi. Sẽ đỡ đấy. Ông uống nhiều lắm hả?

- Chẳng rõ nữa. Rót là uống. - Tôi thú nhận - Chính sếp mời, làm sao từ chối được.

- Ờ, phải rồi… bà Sumanavati dịu giọng - Ông đi ngủ đi.

- Ba ơi, ở đấy có bánh gatô không? - Khitri hỏi - Giá ba mang về cho con một miếng.

- Ở đấy đầy mọi thứ. Nhưng sao ba mang về cho con được?

- Thì ba bỏ vào túi rồi đem về.

- Ôi con ơi! Ai đó mà thấy thì để đâu hết xấu hổ. Hôm nào lĩnh lương ba mua cho con hẳn một chiếc.

Buổi tối rủi ro ấy kết thúc như vậy.

Tôi chợt nhớ tới ông Karolis. Mấy hôm nay bác ấy lảng vảng gần sở tôi, sau sang đứng ở gốc cây trên phố Rajagiri. Khi tôi đến gần, bác ta nhìn tôi chằm chặp như thể không nhận ra, rồi quay lưng đi thẳng không hề ngoảnh lại. Lúc đầu bác còn đi từ từ, sau cắm đầu chạy. Bỗng nhiên bác ta đứng ngây người ra. Người qua đường ngạc nhiên nhìn theo.

- Thằng điên đấy ông ạ. - một cậu bé bảo tôi - Nó rất ngu nhé. Cứ lao như tầu hoả chạy ấy.

Người qua đường chỉ trỏ Karolis, thích thú hét theo bác ta. Tôi ngoảnh mặt và chầm chậm bước về, lòng xót thương số phận đắng cay của Korolis.

Bây giờ đi làm về tôi chẳng biết lẩn vào đâu. Hoặc vào bếp trò chuyện tào lao với bà Sumanavati hoặc ngồi dưới bóng cây ô liu đọc hết chữ in trên tờ báo. Có dạo tôi thử trồng ớt, nhưng mấy cái lá mầm vừa nhú ra lũ ốc sên đã chén sạch.

Ngoài phố vang lên tiếng chuông. Đó là người bán dầu hoả đánh xe ngựa rao hàng rong trên phố. Con Trenus đang thiu thiu ngủ trên hiên, hếch mõm sủa bâng quơ vài tiếng rồi nằm yên. Ngoài giếng tiếng ròng rọc kéo nước rít lên ken két. Bà Sumanavati đang kéo nước đổ vào lu. Tôi buông tờ báo ngước nhìn vợ. Trong chiếc áo cộc tay, chiếc váy sờn rách bà ấy đi vào bếp. Mấy tháng rồi tôi định mua cho vợ chiếc áo sari mới, nhưng mãi chưa mua được. Có lẽ vì chẳng có bộ quần áo nào tơm tất nên bà ấy đâm ra hay ngượng, dạo này chẳng chịu đi đám cưới hay đám tang, và khi nhà có khách bà lại hay vào bếp ngồi. Bà ấy có độc một chiếc áo sari dùng cho mọi dịp. Còn con Malini trong tủ của nó có tới ba chục chiếc, thế mà chẳng cho mẹ mặc quần áo của nó. Nhiều lúc tôi buộc lòng phải nghĩ con Malini không phải là thành viên trong gia đình, nó sống ở nhà này như một người khách trọ xa lạ. “Phải, phải rồi…Nhất định mình phải sắm cho Sumanavati thứ quần áo gì” - tôi nhủ thầm có lẽ đến cả trăm lần. Tất nhiên tôi có thể diện những thứ quần áo hợp thời trang, sắm cho vợ những bộ sari đắt tiền, nhưng lúc đó nhà chẳng còn một xu để ăn. Vậy làm sao giúp con cái nên người được? Chúng tôi sống cho ai, nếu không phải vì con cái.



Mặt trời chầm chậm xuống sát đường chân trời. Bóng tối sắp phủ xuống. Những tia nắng hoàng hôn như những mũi tên xuyên qua vòm cây ô liu đổ xuống mặt đất những vết loang rực đỏ. Một lát sau trời nhập nhoạng tối. Thời tiết khô hạn đã lâu, mặt đất nứt nẻ, cây cối héo rũ. Thỉnh thoảng mới có buổi sáng mát gió. Tháng Tư, tháng Năm bao giờ cũng vậy.

Malini từ trong nhà bước ra, nó đi tưới những luống hoa. Lần nào cũng vậy, tưới hết bình nước, nó cúi đầu đi ngang sân ra giếng, nhưng hôm nay nó đặt bình tưới xuống, mắt nhìn xa xôi. Khuôn mặt nó hiện vẻ lo âu, bồn chồn. Từ bữa cơm chiều qua tôi nhận thấy nó có vẻ lo lắng điều gì. Nó như lảng tránh tôi. Khi có chuyện gì bí mật, nó thường tâm sự với mẹ, bởi vậy tôi không hỏi xem có chuyện gì.

Trước khi đi ngủ tôi châm điếu thuốc và ra ngồi ngoài hiên. Thằng Nimal vẫn chưa về, Khitri và Sarat đã ngủ say. Có tiếng bà Sumanavati gọi từ nhà bếp: “Trenus! Trenus!” - chắc bà ấy cho con chó ăn. Malini lẩn quẩn trong nhà như kiếm tìm vật gì. Mấy lần nó bước ra cửa, ngó nhìn ra sân. Không để ý nó lặng lẽ tới bên cạnh từ lúc nào, tôi giật mình nghe tiếng nó:

- Ba ơi, mẹ đã nói gì với ba chưa?

- Nói gì cơ? - tôi hỏi lại thay cho câu trả lời, dù đã đoán được điều nó định nói.

Malini im lặng cắn móng tay. Vẻ bối rối như trẻ con hiện trên khuôn mặt nó; rõ ràng nó không biết mở lời như thế nào. Tôi đành giúp:

- Ba nghe nói con đã lựa chọn cho mình người bạn đời tương lai. Cậu ta ở Narakhenpita. Nếu con và nó hợp nhau, ba mẹ không phản đối. Chủ yếu là các con thuận hoà trong cuộc sống.

Malini tươi tỉnh hẳn lên. Nó luyến thoắng:

- Anh ấy mồ côi cha, ba ạ. Chỉ còn mẹ thôi. Quê ở gần Ratnapura. Anh ấy làm ở hãng xe bus Saylan.

Tôi im lặng nghe.

- Ba ơi, con mời anh ấy lại nhà ta chơi đấy.

- Ừ, đúng. Đáng lẽ phải làm thế từ lâu rồi.

- Ba ơi, con xin ba điều này. Hôm ấy để thằng Khitri ở phòng nó ba nhé. Con đã bảo mẹ rồi. Vì người yêu con mới tới nhà lần đầu mà. Để sau này con sẽ nói với anh ấy con có một đứa em tật nguyền.

Tôi như bị giáng một cái tát vào mặt. Đôi môi con Malini động đậy - nó tiếp tục nói gì nữa - nhưng tôi không nghe thấy gì hết. Tôi lặng im, đăm đăm nhìn vào một điểm vô hình trước mặt. Không thốt được lời nào, tôi rời hàng hiên bước xuống sân, thầm nghĩ - cả Khitri, cả Malini, Nimal và Sarat đối với tôi đều quý giá như nhau. Tất cả chúng là con tôi, là máu thịt của tôi. Dầu Khitri có tật nguyền nó vẫn là người. Lẽ nào có thể xấu hổ vì em mình - một đứa trẻ vô cớ bị số phận đầy đoạ! Rồi mỗi năm tôi sẽ có thêm nhiều nếp nhăn trên mặt, đầu sẽ hói đi. Chắc đến một ngày con Malini sẽ xấu hổ nhận tôi là cha nó? Tôi nhớ lần đưa con Malini tới trường, cách cổng một đoạn khá xa, nó dừng lại bảo tôi:

- Ba, ba đừng đi tiếp nữa. Quần áo ba cũ quá!

Nhưng đó là lời nói không suy nghĩ của đứa bé con, còn đây là những lời của cô gái đã trưởng thành. Dĩ nhiên tôi sẽ không phẩn đối ý định của Malini. Nhưng lòng tôi đau khủng khiếp.

(Còn nữa)


Nhận xét