Đàn chim (1)




Đã khuya. Quanh đâu đây bầy ve vẫn ra rả kêu. Bên hàng rào có tiếng con Trenus sủa: chắc nó lại thấy con bò nhà ai lạc qua. Lũ rơi bu đen trên ngọn cây ô liu, chốc chốc lại đập cánh, lượn lờ bay. Sáng mai khắp sân lại rụng đầy những trái cây bị gặm nham nhở.

Căn buồng bên hiên vẫn sáng đèn - Sarat, cậu con trai cả của tôi đang ngồi học. Nó thường học tới nửa đêm. Dạo này, những đêm mất ngủ tôi nghe tiếng nó học bài trong phòng, những lúc ấy với sự nhạy cảm đặc biệt tôi cảm nhận được con cái quý giá nhường nào, và hạnh phúc biết bao khi được làm cha. Giọng Sarat cao và vang khiến tôi nhớ đến giọng sư ông ở chùa làng. Tôi biết, năm năm nữa thôi Sarat sẽ trở thành kĩ sư. Điều đó chắc chắn như sáng mai mặt trời sẽ mọc. Và lần nào cũng vậy, mỗi khi nghĩ tới tương lai của con lòng tôi tràn ngập niềm tự hào. Tôi mường tượng lúc mình đi trên đường, ở đâu cũng nghe thấy: “Ông Nandasena đấy! Có cậu con là kĩ sư. Ông ấy chăm lo cho con cái nên người. Cả đời chỉ mặc quần áo vá, chẳng bao giờ dám ăn no, ấy vậy mà ông đã đạt được mục đích của mình”. Đầu óc tôi quay cuồng với những ý nghĩ đó.

Tôi hiểu rõ Sarat có thành đạt trong cuộc sống thì cũng không chỉ nhờ cố gắng của tôi, mà trước hết do năng lực của chính nó. Tôi vẽ ra trong mơ cảnh con mình đi xe hơi tới công sở. Người thư kí cúi đầu chào, đỡ chiếc cặp giấy rồi lăng xăng theo theo sau Sarat. Ở cầu thang mọi người kính cẩn nhường lối cho nó. Phòng làm việc của nó có tới ba chiếc điện thoại trên bàn, trần mắc quạt, sàn trải thảm…Rồi tất nhiên cậu cả của tôi sẽ mua nhà ở khu Kurunduvatte. Sẽ thuê người giúp việc. Thỉnh thoảng vào ngày nghỉ nó đánh xe riêng đến chở cả nhà đi chơi Dambullia, Pollonnaruva, Ialla. Tết đến nó sẽ mua cho mẹ bộ áo sari, mua cho tôi chiếc quần tây trắng, tặng các em Nimal, Malini, và Khitri những món quà đẹp đẽ…

Tôi xúc động trào nước mắt. Giấc ngủ tan biến. Từ chiều mây đen đã phủ kín bầu trời, trên đường đi làm về tôi đã tưởng bị mưa. Mưa thì chẳng thấy, mà từ lúc đó đến giờ trời oi bức kinh khủng. Không sao ngủ nổi. Mồ hôi chảy thành dòng trên lưng. Tôi trở dậy, bước ra khỏi phòng. Nimal và Khitri đã thở đều đều trong giấc ngủ. Cửa phòng con Malini đóng kín. Tôi bước về phía cửa bếp để ngỏ và dừng lại nơi ngưỡng cửa.

Sumanavati, vợ tôi đang nhào bột. Bà ấy đập đập tảng bột trắng dẻo quánh năm sáu phút liền, rồi thở hổn hển, tựa người vào tường, kéo vạt áo lau mồ hôi trên mặt. Tôi đưa mắt nhìn mớ tóc rối bù và chiếc áo cộc tay sờn rách lòng thầm thương sự vất vả của vợ. Đã nhiều lần tôi bảo bà ấy đừng cố dốc sức như thế, bà ấy chỉ cười đáp lại chẳng nói gì. Buổi sáng lúc cả nhà còn ngủ bà ấy đã phải dậy đốt lò nướng bánh. Trưa đến thổi cơm, pha trà và làm món gì ngon một chút để tráng miệng. Buổi chiều lại cơm nước. Công việc nhiều vô kể: dọn nhà, quét sân, xách nước. Quần áo của cả nhà bà ấy cũng giặt lấy, không muốn mang ra hiệu vì lý do duy nhất muốn tiết kiệm tiền. Vậy mà con cái chẳng đứa nào chịu giúp mẹ. Con Malini không bao giờ muốn làm việc gì, còn thằng Nimal, nếu không cho nó mười cents thì đến cửa hàng nó cũng chẳng chịu đi. Trăm thứ việc đổ dồn lên bà ấy và tôi. Chiều chiều đi làm về tôi thường rẽ vào cửa hàng góc phố Velicada mua rau, cá và những thứ lặt vặt khác.

- Ông không ngủ à? – bà Sumanavati hỏi.

- Oi quá…

- Ờ… Trời oi thật, muỗi nhiều như trấu ấy.

- Bà làm món gì thế?

- Con Malini bảo làm bánh. Nó không thích mấy món kia.

- Sarat vẫn đang học đấy…

- Ông uống trà không?

- Thôi, cám ơn bà. Mang cho Sarat ấy.

Tôi quay về phòng mình hy vọng sẽ ngủ được một lát...


Gần tới lễ Giáng sinh, buổi sáng trời đã dịu mát, mọc trời mọc muộn hơn. Tôi thường thức dậy lúc năm rưỡi và ra khoảng sân mờ hơi sương. Cát lạnh như những mũi gai bé xíu gại nhẹ lòng bàn chân để trần, tâm trạng trở nên sảng khoái lạ thường. Người bưu tá thường tới lúc sáu giờ. Tôi ra cổng mở thùng thư lấy mấy tờ báo. Lát sau bà Sumanavati mang ra hiên cho tôi tách trà nóng.

- Ông uống đi kẻo nguội - bà ấy bảo.

Từ sáu giờ đến bẩy rưỡi trong nhà cứ nháo nhào cả lên. Tất cả chạy tới, chạy lui như hoá điên. Ở đâu cũng: “Mẹ, tất của con đâu?”, “Ai cất hộp đồ vẽ của tôi đâu rồi?”, “Con không thích sữa, cho con xin cốc nước dừa.”, “Đứa nào giấu hộp phấn trang điểm của tao đâu?”, “Ba, ba nghĩ hai lăm cents đủ cho con sao?”, “Chẳng lẽ nhà mình không còn tí nước dừa nào?". Cuối cùng bà Sumanavati không chịu được nữa: “Đây không phải cái chợ nhà chúng mày! Im hết đi!” - bà hét to át tất cả. Bẩy rưỡi thằng Nimal buộc sách vở vào sau xe đạp, nhảy phắt lên yên, vừa phóng vừa hét: “Mẹ, con đi đây!”. Với vẻ hiền lành như thầy chùa, Sarat cúi mặt lặng lẽ lách qua cổng. Con Malini tám giờ mới đi làm. Nó làm nhân viên đánh máy văn phòng cho một hãng ở Katuva. Khoác bộ đồ loè loẹt, sực nức nước hoa nó lướt qua chỗ tôi, nói vừa đủ nghe: “Con đi làm đây”.

Ngoài hiên chỉ còn lại thằng Khitri ngồi trong chiếc xe lăn. Nó đưa mắt buồn bã nhìn theo các anh chị đi khuất rồi lan xe lại gần xem tôi cạo râu. Thằng bé mười một tuổi, bị bại liệt hai chân vì thế suốt ngày phải ngồi xe lăn. Khitri đi lại bằng đôi tay. Lòng bàn tay nó rắn cứng, đầy vết chai sần, chiều đến là đen nhẻm đất cát.

Chiều nào bà Sumanavati cũng đun nước rửa ráy cho nó. Vợ chồng tôi đã tốn nhiều công sức chữa bệnh cho con. Mời hết bác sĩ tây y, đông y, gọi thầy lễ bái, đọc thần chú xua đuổi ma tà, nhưng tất cả đều vô hiệu. Các bác sĩ bảo nó bị bệnh bẩm sinh, không chữa được. Mẹ nó cuối cùng đành thất vọng, chỉ biết thở dài: “Âu cũng là số phận”. Bà ấy cũng nói thế khi bác đưa thư làng tôi bị tầu hoả cán chết. “ Nếu lúc ấy bác ấy ở nhà thì cũng thế thôi. Có số cả.”. Phải, có số phận. Nếu vậy thì đành chấp nhận.

- Này, cho con bỏ ống.

Như thường lệ, trước khi đi làm tôi cho Khitri mười cents rồi xoa đầu nó. Nó mỉm cười với tôi trông thật tội nghiệp, tôi biết nó sẽ dõi theo tôi tới tận cổng.

Ở văn phòng. Cô nhân viên trẻ đến chỗ tôi:

- Ôi, bác dùng loại kem gì đấy? - cô ấy hỏi.

- Đã qua lâu rồi cái thời bác dung kem cạo râu, bé con ạ. - tôi trả lời.

- Bác nói thế chứ. Chỉ cần bác nhuộm lại tóc một chút là trông bác lại trẻ như chú rể ấy.

- Nếu thế bác bằng lòng để tóc như thế này vậy. - tôi đùa lại.

- Bác ơi, bác giúp cháu một việc được không?

- Việc gì?

- Lúc về bác mua giúp cháu một cuộn chỉ được không?

- Được, được thôi…- tôi đồng ý.

Trưởng, phó phòng chỗ tôi đều gọi tôi theo kiểu Mĩ “Mister Nandasena”. Các công chức đứng tuổi thì gọi theo tên “Ông Nandasena”. Số còn lại gọi bằng “bác” hay “bác Nandasena”. Vì tôi đã làm lâu năm ở sở nên mọi người gọi sao cho thích hợp: không khô khan công việc mà vẫn kính trọng. Tôi quan hệ tốt với mọi nhân viên. “Đến con ruồi bác Nandas cũng chẳng lỡ hại - họ nói về tôi như vậy - Không bao giờ chơi xấu ai. Mà bác ấy còn luôn giúp đỡ mọi người,. Một công chức tốt.”. Quả thực, làm ở sở này đã hai mươi năm nhưng chưa lần nào tôi nghe thấy ai phàn nàn về công việc cả. Nhiệm vụ nào tôi cũng hoàn thành đúng thời hạn, trong khi đó một số người cố tình kéo dài công việc được giao để sau đó tính thêm tiền làm ngoài giờ, nhưng họ là họ, còn tôi là tôi. Đồng tiền kiếm bằng cách không trung thực chẳng thể đem lại điều gì tốt lành. Ông trưởng phòng rất quý mến tôi. Cũng như tôi, ông là người vùng Kandi

(Còn nữa)

Nhận xét