Đàn chim (5)

 


Đã mấy hôm nay bà Sumanavati phàn nàn thấy người gai gai lạnh, hôm qua bỗng sốt cao. Buối sáng tôi vào bếp thấy bà ấy đang nhào bột, mặt đỏ phừng phừng. Tôi sờ trán, biết ngay bà ấy sốt. Tôi liền bắt vào guờng nằm nghỉ, nhưng bà ấy cứ khăng khăng: “ Tôi còn phải nấu nướng cho ông và chúng nó chứ. Nằm nghỉ làm sao được?”. Lần nào cũng vậy, dù có mệt đến mấy, chẳng bao giờ bà ấy chịu nghỉ ngơi. Tôi giằng cái khay bột khỏi tay, rồi chạy đi mua bánh mì và chuối. Ngày hôm nay tôi xin nghỉ làm, đi mua thuốc cho vợ rồi vào nấu bếp.

Ngày bé, mỗi khi đi học về tôi không chơi đùa với các bạn mà chạy vào nhà bếp. Mẹ cho tôi nếm thử các món vừa nấu, hỏi xem có vừa muối không. Thỉnh thoảng lúc bận việc khác, mẹ cho tôi trông nồi cơm. Tôi hay lẽo đẽo theo mẹ đi gom lá dừa khô hoặc bẻ củi. “Đáng lẽ mày là con gái mới phải” - mẹ thường nói đùa như vậy. Bây giờ mỗi khi bà Sumanavati ốm, tôi lại thay vợ việc bếp núc. Lần này nửa tháng bà ấy mới khỏi.

Khi bà ấy bình phục cũng đến ngày dự định cho người yêu con Malini ra mắt. Trước đó một hôm, tôi ra cửa hàng mua bánh gatô, biscuits, nước cam và bao thuốc Ba bông hồng. Malini và Sumanavatii cùng tiếp khách. Nhân dịp này Malini chọn trong số quần áo của nó đưa mẹ một cái áo sari mới. Tôi và Khitri ngồi trong nhà bếp. Những lời trò chuyện rông dài vọng vào chỗ cha con tôi - Malini nài nỉ khách bớt ngượng ngùng nếm thử bánh gatô - rồi tiếng nó cười vui vẻ. Khitri cắt hoa giấy, tôi ngồi bên phụ giúp con. Lúc cầm giấy để nó cắt, lúc thu nhặt những dải hoa xếp gọn vào một chỗ. Tôi ngồi chặn giữa cửa để thằng bé không lái xe ra nhà ngoài. Thằng bé khốn khổ sẽ ra sao khi chính người thân cũng lảng tránh nó? Nó tìm đâu nơi trú thân khi không còn cha, không còn mẹ? Ai cho nó ăn, cho nó uống? Những ý nghĩ u ám nhất cứ lởn vởn. Nước mắt cay xè trên mi, chốc chốc tôi lại ôm ghì Khitri vào lòng.

- Ba, sao ba khóc?

Khitri vừa ngạc nhiên, vừa sợ hãi nhìn tôi. Tôi cố gắng hết sức để kìm chế, nhưng vô ích - đôi vai rung lên, tôi nức nở nghẹn ngào. Mẹ tôi nói đúng - giá tôi là con gái thì phải. Khi còn bé hễ ai giơ tay doạ là tôi đã khóc. Tôi bây giờ vẫn vậy. Tôi đứng dậy, đi quanh quẩn trước cửa bếp. Cũng may, ngoài Khitri không ai thấy tôi lúc uỷ mị như đàn bà. Khi con Malini vào báo người yêu nó sắp ra về tôi đã trấn tĩnh lại.

- Hôm nay bác không được khoẻ nên không ra chơi với cháu được - tôi nở nụ cười thảm hại nói.

- Bác sao ạ? - chàng trai lịch sự hỏi thăm.

- Chứng thấp khớp ấy mà.

- Bác thử sắc thuốc uống xem, sẽ đỡ đấy. Cháu cũng biết chút ít. Ở làng cháu có ông lang chữa đông y giỏi lắn… Dạ, cháu xin phép hai bác - cậu ta nói rồi lặng lẽ bước xuống sân.

- Thỉnh thoảng lại chơi nhé, cháu biết nhà rồi còn gì.

Cậu ta ngoái lại mỉm cười dịu dàng. “Nhìn cũng biết chàng trai hiền lành - tôi nghĩ bụng - Lấy nó Malini sẽ hạnh phúc”. Tôi đưa mắt nhìn theo cho tới khi cậu ta ra khỏi cổng, hoà vào dòng người trên phố.

Tôi có cảm giác biết cậu ta từ lâu. Chắc đời cũng sóng gió. Mồ côi cha, mẹ lại ở xa Kolombo. Chắc cậu ta phiêu bạt hết chỗ nhà thuê này sang nhà thuê khác. Tiếc là chưa trò chuyện được với cậu ta. Nhưng xét lời bà Sumanavati: “Một chàng trai có duyên. Dễ thương và khiêm tốn” cũng biết bà ấy ưng cậu. Thế mà trước đây tôi đã lo Malini gặp phải gã Sở Khanh, ơn trời phật, tôi đã lo sợ vô ích.

- Nó tên gì? Tôi vẫn chưa biết. - Tôi hỏi bà Sumanavati.

- Vidjesundara. Con Malini quen nó ở triển lãm hàng công nghiệp. Đầu năm sau chúng nó sẽ đính hôn.

- Nhưng trước đó còn khối việc phải làm. Phải xem tuổi. Rồi gặp mẹ nó. Ai biết bà ấy muốn kén con dâu thế nào. Để sau này không trách nhà mình lừa con trai người ta.

- Tất nhiên, tất nhiên rồi. Phải bảo con Malini chuyện này. Và để thằng Vidjesundara báo tin cho mẹ nó.

Mặc dù không phải mọi chuyện đều như ý, nhưng tôi thấy hài lòng. Malini đến tuổi lấy chồng. Để thời gian nữa sẽ muộn, nó thành bà cô, rồi suốt ngày trách móc và làm cả nhà bực mình. Đàn ông thì dễ hơn. Khi đứng tuổi anh ta vẫn dễ dàng lấy được vợ. Thú thực, hình như Vidjesundara xuất thân từ gia đình giầu có hơn chúng tôi. Đám cưới liệu có được tổ chức hay không, điều đó còn chưa rõ. Suốt đời tôi đã sống trung thực, không lừa dối ai. Những gì hiện có tôi phải đổi bằng mồ hôi, nước mắt. Nhưng cuộc sống đắp đổi lần hồi dành dụm được là bao. Nhưng nghèo cũng phải dành cho Malini khoảng sáu ngàn rupi. Tôi có thể cho nó chục ngàn. Đó là một món hồi môn tương đối cho một cô gái đã có công ăn việc làm. 



Mây đen che kín cả bầu trời. Mưa sập xuống. Những đợt gió lạnh thổi tạt bụi nước vào hiên. Tôi thấy lạnh. Khoác thêm chiếc áo, khép chặt tà áo lại, tôi ngồi xuống ghế và châm thuốc hút. Ngồi ngoài hiên khi trời mát mẻ thế này thật thích thú.

Có người dừng lại bên cánh cổng. Qua màn mưa mờ mịt, cố gắng lắm tôi mới nhận ra Karolis - đã mấy tuần chẳng thấy bác ta đâu.

- Chó xích rồi chứ? - bác ta hỏi khi tôi đi ra sát hàng rào.

- Con Trenus không cắn đâu. Bác vào đi.

Tuy thế Karolis vẫn sợ sệt nhìn vào trong sân.

- Tôi đi tìm một thằng bé. Muốn nhận nó về nuôi. Sống một mình chán quá.

- Bác vào nhà đi. - Tôi lại mời - Vào ăn chút gì, hay uống trà vậy.

- Mai tôi đến.

Bác Karolis tập tễnh bước đi. Thân hình gày gò lộ rõ những chiếc xương sườn sau lần áo sơmi thủng lỗ chỗ. Tóc lâu ngày không trải bết thành từng đám rủ xuống mặt. Buổi tối mà gặp bác ta ngoài phố chắc phát hoảng. Vì tội lỗi gì của kiếp trước mà bác ấy bị trừng phạt ở cuộc đời này đến thế?

Bà Sumanavati mang tách café ra.

- Ông vừa nói chuyện với ai đấy?

- Karolis vừa tới. Đầu óc bác ấy lại không ổn rồi.

- Suốt ngày hôm qua bác ấy đứng ở cổng trường phố Ragiagiri nhìn lũ trẻ con.

Công việc ở văn phòng dạo này nhiều vô kể. Ông Mendis nghỉ phép và tôi thay thế ông ấy. Vì mỗi khi tôi nghỉ ông thường thay thế tôi. Trước bốn giờ rưỡi phải gửi lên bộ báo cáo về tình hình hiểu biết tiếng Singan của nhân viên trong sở, và tôi hối hả viết.

- Bác Nandasena, bác Nandasena! - Sirisoma gọi tôi - Hôm nay báo đăng kết quả thi đại học đấy.

Tôi đang mải làm nên ngây người nhìn cậu ta vài giây, chẳng hiểu gì. Khi hiểu cậu ta nói, tôi chạy vội đi mượn ông Badkhinaika tờ Daily News rồi quay về chỗ mình. Tay tôi run bần bật, những hànhg chữ nhảy múa trước mắt. Cuối cùng tôi cũng tìm thấy trang cần xem. Danh sách thí sinh đỗ xuất sắc và được nhận vào trường đại học gồm mười lăm người. Không có tên Sarat trong đó. Không tin mắt mình tôi đọc đi, đọc lại mấy lượt. Soát từ trên xuống, rà từ dưới lên. Không nghi ngờ gì nữa Sarat đã trượt.

Tôi tựa người vào thành ghế, mắt đăm đăm nhìn vào khoảng không trước mặt. Tôi hoang mang như vừa đánh mất báu vật. Không có ai ở bên để an ủi dù chỉ một lời. Việc thi đỗ hệ trọng không chỉ riêng với Sarat mà với cả nhà. Bình sữa đã mang tới nơi, nhưng mải mơ tưởng nên đã đổ hết. Và sực tỉnh. Chuyện với tôi là thế đó.

Nói chung thi cử cũng như đánh xổ số. Người có khả năng đôi khi vẫn trượt, còn những kẻ tất cả đều công nhận là dốt thì lại giành được kết quả cao. May rủi. Trong bất cứ chuyện gì may rủi đều rất quan trọng. Có người may mắn, tất có kẻ rủi ro. Thành đạt của người này bao giờ chẳng là thất bại của kẻ khác. Và ngược lại. Nhưng hiểu vậy chỉ để an ủi mình thôi. Cha mẹ chịu đắng cay nhất khi thất bại đeo đuổi con cái mình. Hay nói khác đi, họ là người đau khổ gấp đôi.

Khi tôi về đến nhà Sarat đang nằm ngủ trên gường. Ngay cả lúc ngủ khuôn mặt nó vẫn phờ phạc - suốt bao đêm nó đã thức trắng. Vậy mà bây giờ tất cả thành vô ích. Chính Sarat cũng không nghĩ nó trượt. Nhưng đó là sự thật. Đúng cái số nó vậy. Và thế thì thay đổi gì được. Cuộc sống đâu chỉ có thành công. Đó là cuộc đấu tranh không ngừng với gian khó. Sarat phải thử vận may một lần nữa. Các triết gia nói thất bại là hòn đá lát đường tới thành công mà.

(Còn nữa)


Nhận xét