Đàn chim (7)




7

Nimal nài nỉ hồi lâu xin tôi năm rupi. Khi tin chắc chẳng xin được gì nó quay vào bếp tìm mẹ. Vài phút sau vọng ra tiếng bà Sumananvati gắt gỏng:

- Mày muốn gì. Cho con năm rupi. Lại đi xem phim hả?

Với bộ mặt cau có, Ninmal đi qua chỗ tôi vào nhà. Bữa cơm chiều không thấy nó. Đến mười giờ chẳng thấy Nimal về. Bà Sumanavati đứng tựa cửa lo lắng nhìn ra phố - cơm chiều bà ấy cũng chưa ăn. Lòng tôi buồn rười rượi. Dạo này Nimal quen đi xem, tuần thì một lần, tuần hai lần. Muốn vậy phải có tiền…Nó gây cho chúng tôi không biết bao nhiêu điều phiền muộn! Tôi đã nói chuyện với nó vài lần, nhưng chứng nào tật ấy. Hư trông thấy. Rồi nó sẽ ra sao? Tôi thường trách mình ít chú ý tới Nimal, nhưng nó trở nên lêu lổng như vậy đâu phải mọi chuyện do chúng tôi. Vợ chồng tôi xoay xở chật vật con cái mới có đủ những thứ cần thiết - áo quần, sách vở, giầy dép…Chỉ một năm học tôi phải mua cho Nimal tới hai chiếc bút máy.

Lòng nặng trĩu, tôi trở lại phòng mình, nằm xuống gường. Một trận mưa rào sập xuống, những giọt mưa nặng hạt đập bồm bộp trên mái nhà. Gió thổi ào ào qua những cành cây. Trăn trở mãi không ngủ được, tôi gọi bà Sumanavati vào nhà. Bà ấy không đáp. Tôi trở dậy, bước ra hiên. Bà Sumanavati ngồi gục đầu vào gối trên bậc thềm. Nghe tiếng bước chân tôi bà ấy ngẩng đầu lên, thở dài não nề:

- Mười hai giờ rồi, Nimal vẫn chưa về.

- Nó sắp về thôi. Không việc gì phải lo - nó còn bé gì đâu.

- Lúc tôi không cho tiền đi xem, nó cáu lắm. Tôi sợ nhỡ nó làm điều gì.

- Không có tiền nó chẳng đi chơi lâu được đâu.

- Chắc nó lại lấy tiền bỏ ống của Khitri.

- Nó sắp về đấy. Chắc đang trú mưa đâu đó.

Tôi đi đi lại lại ngoài hiên, rồi về phòng, lòng hoang mang.

Mưa ngớt dần, bên ngoài trời tối đen. Không khí dịu mát. Rúc đầu vào tấm vải trải gường, tôi nhắm mắt cố gắng thiếp đi. Đúng lúc ấy có tiếng con Trenus sủa. Tôi nhỏm dậy và đi ra hiên. Thằng Nimal vừa về, đang đứng đó.

- Mày lang thang ở đâu về? - bà Sumanavati hỏi.

- Đi xem phim.

- Ba mẹ đã bảo không đi, không cho tiền cơ mà.

- Không phải việc của ba mẹ. Thích thì đi.

- Câm cái miệng độc địa của mày lại. - bà Sumanavati nổi cáu - Tao báo cho mày biết, chỉ một câu nữa tao sẽ tống cổ ra đường. Nếu không coi ai ra gì, thì xéo đi đâu thì xéo. Đã càn quấy lại còn ăn nói láo!...

Bà Sumanavati tiếp tục làm ầm lên. Nimal cúi mặt nhìn xuống chân. Ích gì đâu, chẳng phải như vậy lần đầu - Nimal nhẫn nhục chịu đựng. Phải tìm cách khác. Nhưng cách gì - chính tôi cũng không biết. 



Buổi sáng khi tới công sở, từ đằng xa tôi đã thấy một phụ nữ bế con đứng ở cổng. Chị ta mặc chiếc áo khoác đen, bộ sari hồng đầy vết ố bẩn. Tóc rối bù. Người gầy khô héo. Chắc chị ta sống trong cảnh bữa đói, bữa no đã lâu. Tuần nào chỗ tôi cũng có hai, ba người dạng đó, nhìn họ thật xót xa. Người đàn bà đưa cặp mắt hốc hác nhìn đám nhân viên lãnh đạm đi qua. Khi văn phòng vừa mở cửa, chị ta rụt rè bước vào bên trong, ngơ ngác nhìn quanh, nhìn quẩn. Người bảo vệ chạy lại chỗ chị ta.

- Tôi cần gặp ông giám đốc. - chị giải thích.

Người bảo vệ ghi họ tên, mục đích cuộc gặp vào một mảnh giấy rồi cằn nhằn khinh miệt:

- Đợi ngoài kia. Tôi sẽ gọi.

Bàn làm việc của tôi trông thẳng vào phòng giám đốc, cuối cùng khi người bảo vệ dẫn chị ta vào đó, tôi nghe thiếng chị ta khóc lóc, xin chuyển chồng từ Kandi về Kolombo. Anh chồng hiện tại sống và làm việc ở đó, chị và con cái sống ở đây, vì vậy cuộc sống gia đình trục trặc, anh ta gần như bỏ rơi vợ và các con.

- Tên anh ấy là gì? – ông giám đốc hỏi.

- Elbert. Iu Elbert.

- Được rồi. Để tôi xem có thể làm gì cho chị được không.

Mười gìơ, tôi đi uống nước vẫn thấy chị đứng ở gần sở, đứa bé lê la trên mặt đất, lấy tay bốc cát. Không hiểu sao tôi nghĩ chị ta không còn tiền để mua vé về nhà, tôi lấy đồng năm muơi cents, một nửa số tiền có trong túi:

- Chị cầm lấy đi xe.

Chị ta ngây người nhìn tôi vài giây, rồi chìa bàn tay khô héo gầy guộc cầm đồng tiền lấp lánh. 




Dạo này phần lớn thời gian Khitri chơi dưới sân, sát bên cánh cổng. Nó lăn chiếc xe của mình ra đó từ sáng sớm, ngắm nhìn dòng người hối hả tới nơi làm việc. Đôi khi một vài người đàn bà phúc hậu dừng lại vài giây bên chiếc xe đẩy. “Tội nghiệp thằng bé! Chắc bị bại liệt” - bà ta nói. Một bà khác thương cảm xoa đầu nó, rồi tất cả vội vã bước đi. Ngồi trong xe, Khitri mỉm cười - nó thích thú sự thương hại đó. Nhưng không phải ai cũng đối sử tốt với thằng bé. Có lần một tốp trẻ con quây nó lại. Chúng nhăn nhó, trọc ghẹo. “Ê, thằng tật nguyền kìa!”. Khitri bốc sỏi ném chúng. Điều đó càng khích động bọn kia. Đến lúc Khitri không ném được nữa nó lăn xe vào sân, nước mắt giàn dụa gọi: “Ba ơi! Mẹ ơi! Chúng nó trêu con!”. Bà Sumanavati vuốt ve an ủi nó: “Thôi đừng ra phố nữa con ạ!” - bà ấy nhẹ nhàng khuyên bảo. Còn tôi ra cổng doạ bọn trẻ, thấy bóng tôi chúng lấp hết vào các gốc cây và bụi rậm. “ Bắt được đứa nào, tao beo tai cho đấy!”

Nhưng ngay hôm sau mọi chuyện đã quên được ngay. Khitri ngồi trong xe gần cổng chia những trái ô liu cho những đứa vừa trêu ghẹo nó hôm qua. Thằng Nimal đôi khi cũng hành tội em - khi thì lấy trộm tiền bỏ ống, khi thì làm hỏng đồ chơi - nhưng Khitri chỉ khóc một lát rồi quên ngay.

Sarat lại thi trượt. Nỗi đau chúng tôi chịu đựng không còn sâu sắc như lần đầu, nhưng thất vọng nhiều hơn. Sarat đã làm tất cả những gì có thể. Trước kì thi nó không bỏ phí một phút. Đúng là tại số. Số phận không cho tôi thấy con mình trở thành kĩ sư, tôi hy vọng khi Sarat có địa vị cao nó sẽ giúp gia đình, tôi có thể thuê người giúp việc và giải phóng bà Sumanavati khỏi việc nhà. Một hy vọng hão huyền. 



Cơm chiều xong tôi ra hiên, ngồi vào cái chỗ ưa thích của mình, châm điếu thuốc. Sarat cũng ra ngoài đó. Nhìn thấy tôi nó định quay vào, phân vân một lát nó dừng lại. Trông nó hốc hác. Nó đau khổ chịu đựng thất bại của mình, nhưng cố gắng không để lộ ra. Tính nó như vậy, dù vất vả khổ sở nhưng không bao giờ than thở nửa lời. Khi Sarat học phổ thông, nó thường tự hào chìa cho tôi hay mẹ nó xem bảng điểm của mình: ” Ba mẹ xem điểm này. Con lại đứng đầu lớp đấy.” “Chắc con chép bài của bạn chứ gì?” tôi trêu nó, cố giấu đi niềm hân hoan của mình. Biết bao hy vọng công danh tôi đã đặt vào Sarat lúc bấy giờ! Chao ôi, giờ tới lúc phải xin những hy vọng ấy tha thứ. Bẩy năm nữa tôi sẽ về hưu. Đến lúc ấy các con phải trưởng thành. Lẽ nào học vấn mà chúng tôi chật vật mới giúp các con giành được lại không mang lại lợi ích gì cho cuộc sống? Tôi ngoái lại phía Sarat. Nó đứng nhìn khoảng không xa xăm, đắm chìm trong suy tư.

- Con nghĩ gì thế Sarat?

- Không có gì đặc biệt đâu ạ.

- Đừng suy nghĩ nhiều. Chắc kì thi vừa rồi khó quá. Ba nghe nói rất nhiều người trượt. Lần sau sẽ may mắn hơn.

- Không ba ạ. Con không muốn thi nữa. Con phải đi làm. Ăn bám ba mẹ thế đủ rồi.

- Con nghĩ gì vậy Sarat? Ai bảo con ăn bám ba mẹ? Nghĩa vụ của ba mẹ là phải giúp con trở thành kĩ sư, vì con rất có năng lực.

- Con mệt mỏi lắm rồi, ba ạ. Con học nhiều tới mức giờ đây cố gắng lắm mới đọc nổi bốn năm dòng, còn sau chẳng hiểu gì cả. Con đi làm rồi một thời gian rồi sẽ thử thi lại sau. Có lương tháng sống dễ hơn.

- Con lo lắng chuyện tiền nong đến thế sao? Ba không cần của con một xu. Lẽ nào việc đi làm với con quan trọng thế? Đối với ba và mẹ con - điều quan trọng nhất là mơ ước của con trở thành hiện thực.

Lúc ấy mấy con mèo cắn nhau trong sân, tiếng gào của chúng nghe ai oán. Không hiểu sao tôi coi đó là điềm gở. Nhưng tôi không đủ sức đứng dậy đuổi chúng đi. Nhân lúc đó Sarat bỏ vào nhà. Tôi tiếp tục nghĩ về Sarat. Nói gì thì nói, con trai cả bao giờ chả có vị trí đặc biệt trong gia đình. Khi Malini đi lấy chồng, quan hệ của nó với gia đình sẽ rất mỏng manh. Khó mà trông mong nó giúp các em. Sarat là con cả thì khác. Nó sẽ cùng tôi gánh vác gia đình. Và khi tôi qua đời, ai không phải là nó sẽ trở thành chỗ dựa cho mọi ngưòi. Sarat phải trở thành kĩ sư, không phải chỉ vì riêng mình nó, mà còn vì mấy đứa em. Nhưng liệu vừa học vừa làm có được không? Hình như chính nó cũng chẳng tin điều đó lắm, nó cốt làm tôi an lòng thôi. Nếu Sarat quyết định đi làm, chẳng ai có thể làm nó đổi ý.

Tôi đứng lên, rẽ vào phòng Sarat.

- Con định đi làm ở đâu?

- Hãng Brown - nó đáp - bạn thầy giáo con là kĩ sư trưởng ở đó, và con có thể nhờ xin việc dễ dàng hơn.

- Ở địa vị con, ba sẽ thử thi lại lần nữa.

- Không ba ạ. Con quyết định rồi. Con đã nộp đơn.

- Từ bao giờ?

- Tuần trước. Có điều con không muốn nói trước với ai chuyện đó.

Tôi bước xuống sân, đi lại hồi lâu trên con đường dẫn ra cổng. Bên nhà ông Sirisena đã tắt đèn - từ ngày Sudjata lấy chồng, mọi người bên ấy đi ngủ sớm. Trước kia hồi Sudjata còn ở nhà họ thưòng uống càfe, trò chuyện cười đùa đến khuya. Dạo này mỗi bận sang chơi bên ấy dù nói gì câu chuyện cuối cùng cũng vẫn nói về Sudjata. Nó ít về thăm nhà, nhưng thường xuyên viết thư, và lần nào cũng hỏi thăm tôi và bà Sumanavati. Bà Sirisena thường than thở nhớ con gái. Tuần trước ông bà ấy bảo tôi họ quyết định dọn đến ở cùng con, ngôi nhà này sẽ đem cho thuê. Tôi bỗng buồn vì cái tin ấy. “Thỉnh thoảng hai bác ghé về đây thăm chúng tôi” - tôi chỉ biết nói vậy.

Khi tôi về phòng mình, đồng hồ điểm mười giờ. Vừa mới chợp mắt bà Sumanavati đánh thức tôi dậy.

- Ông ngủ chưa đấy?

- Chưa. Làm sao?

- Tôi thấy thằng Vidjesundura với con Malini có chuyện bất hoà. Hôm nay nó tới nhà mình và hai đứa cãi nhau kịch liệt.

- Nhưng vì sao?

- Chẳng biết. Tôi không nghe rõ, chỉ thấy chúng nói nhau gay gắt lắm.

- Chẳng có gì đáng lo đâu. Rồi chúng tự thu xếp lấy. Có còn bé bỏng gì đâu.

- Tôi lo quá ông ạ. - bà Sumanavati thở dài - Bây giờ đã cãi nhau, không biết sau này ra sao.

- Thế tôi với bà làm được gì nào? Dù sao Malini cũng không trách chúng ta, tự nó lựa chọn mà.

(Còn nữa)


Nhận xét