Đàn chim (11)



11.

Cả nhà - tôi, bà Sumanavati và Khitri - tiễn Sarat ra sân bay. Suốt dọc đường bà Sumanavati nép sát vào Sarat, không thốt nửa lời.

Trong phòng đợi những người đàn ông, đàn bà đạo mạo đi lại. Có người mang theo cả con. Trong bộ comple đen trông Sarat thay đổi đến mức không nhận ra. Nó đứng cùng đám bạn đi tiễn, phân vua điều gì. Bà Sumanavati thất vọng nhìn con như thể trông thấy nó lần cuối. Tôi nghẹn ngào tự hào. Tôi đi tiễn con trai sang Anh học! Tôi thua kém gì những quý ông mặc comple, thắt cravat, diện những đôi giầy sáng bóng như gương kia!

Trở về tôi đứng hồi lâu dưới sân. Cả nhà còn lại ba người - tôi, bà Sumanavati và Khitri, à không còn cả con chó Trenus nữa. Ngôi nhà trống trải, tạnh hiu, nỗi cô đơn đè nặng trong tim. Ngày nối ngày tàn trôi. Không có tin tức gì của Nimal và Malini cả. Con Malini chẳng tranh thủ gửi lấy một dòng bưu thiếp. Tôi và bà Sumanavati đành lòng chấp nhận ý nghĩ các con đã quên mình. Cùng với thời gian nỗi lo lắng cho các con bắt đầu day dứt vợ chồng tôi. Ước gì có đứa nào trong đám bạn cũ của Nimal ghé chơi. Nếu có gặp ngoài phố thì chúng cố tìm cách mau chóng lẩn mất. Bà Sumanavati liên tục nhắc tôi ghi thư cho Malini. Nhưng biết viết gì. Cuộc sống của chúng tôi không mối lo toan, không sự kiện. Nên tất cả các bức thư đều giống nhau như chép ra từ một bản. Đầu tiên là những lời hỏi thăm cuộc sống của Malini, tiếp đến là trách cứ nó không cố gắng thu xếp về thăm nhà, thậm chí thư cũng không viết.

Tôi và bà Sumanavati hoàn toàn mệt mỏi. Trong nhà, ngoài sân đượm vẻ hoang tàn. Những khóm hoa trước đây Malini chăm tưới giờ mọc vống lên như những bụi cỏ dại. Phòng Sarat cũng như phòng Nimal và Malini khắp nơi đầy bụi và mạng nhện, vung vãi giấy vụn trên sàn. Tôi xếp chỗ sách vở, tạp chí của Sarat vào những hộp giấy. Bộ đồ vẽ lăn lóc trên sàn. Trước kia tôi mua nó giá một trăm hai mươi rupi. Không hiểu sao Sarat không mang theo. Đó là thứ duy nhất tôi lau sạch bụi mỗi khi vào phòng nó. Bà Sumanavati ít khi cầm đến chổi và giẻ lau, ngôi nhà dần dần trở nên hoang lạnh. Ngoài hiên thềm ximăng nứt nẻ, mái nhà dột nát nhưng tôi không có ý định chữa lại. Ở sở về tôi lang thang vô định dưới sân, hoặc ngồi như tượng đá ngoài hiên.

Tôi lo sợ khi nghĩ sáu, bẩy tháng nữa tôi sẽ về hưu. Cuộc sống bây giờ vô cùng mòn mỏi, đơn điệu. Ngày qua ngày tôi giết thời gian trong nhà. Những khi ấy không điều gì có thể kéo tôi ra khỏi những ý nghĩ về Nimal, Malini và Sarat đang biệt tăm, biệt tích. Mỗi khi người bưu tá tới, tôi lao ra thùng thư, nhưng chỉ thấy trong đó tờ báo hay biên lai thu tiền điện. Có thế cho tôi thôi. Đôi khi tôi cố gắng chạy trốn thực tại dù chỉ trong giấc mơ. Tôi mường tượng thằng Nimal cùng con Soma trở về, có thể chúng bế theo một đứa cháu, rồi Malini về thăm vợ chồng tôi. Những ô cửa lại treo những tấm rèm rạch sẽ. Trong nhà - vui vẻ, ồn ào. Nhưng những ảo mộng đó tan biến nhanh chóng, để lại trong tôi nỗi đau và thất vọng xót xa.

Một buổi chiều, một chiếc xe hơi đỗ lại gần nhà tôi và một anh thanh niên bước vào sân. Ngó nghiêng xung quanh, anh ta tiến lại gần hiên.

- Xin lỗi bác có phải là ông Nandasena không?

- Vâng, tôi đây. Anh cần gì vậy?

- Sarat nhờ cháu chuyển cho bác gói quà - anh ta chìa cái gói - Cháu mới về nước tuần trước, nhưng bận nhiều việc nên giờ mới tới được.

- Mời anh vào nhà - tôi cuống quít.

- Xin lỗi bác, nhưng cháu vội quá.

- Sarat bên đó thế nào? Công việc của nó ra sao? - tôi hỏi khi tiễn anh thanh niên ra cổng.

- Mọi chuyện vẫn bình thường bác ạ. Cậu ấy mới cưới vợ tháng trước.

- Cưới vợ?

- Vâng. Thế cậu ấy không viết thư báo cho bác à?

Tôi ngây người. Anh thanh niên bất giác mỉm cười, đi ra phố, ngồi vào trong xe rồi đi khuất.

Tôi bước lên hiên. Lạ quá! Một sự kiện như vậy trong đời mà Sarat không hề biên thư báo tin. Hay thư để trong gói quà. Tôi lao khỏi hiên ra cổng. Lúc tiễn khách về tôi treo gói quà trên hàng rào. Tôi tháo tung dây buộc, nhưng chẳng thấy gì dù một mẩu tin ngắn ngủi. Gửi cho tôi và bà lão những thứ giẻ rách này làm gì, nếu con tôi thấy không cần phải báo tin nó sống ra sao. Chúng tôi không chờ nó gửi quà, mà đợi những lời ấm áp, mong sự quan tâm của nó. Tôi gói lại mấy chiếc áo sơmi và bộ sari vào tờ giấy, rồi đem tất cả vào nhà, giấu xuống đệm gường. Tôi quyết định không kể chuyện này cho Sumanavati, và chỗ quà này sẽ gửi cho Malini, đặt vào đó mảnh giấy bảo đó là quà của Sarat gửi cho Malini và chồng nó.

Đúng lúc ấy bà Sumanavti gọi tôi vào uống trà. Trên bàn bầy một đĩa bánh nướng.

- Bánh đâu ra thế này? - tôi hỏi - Bà có nướng bánh đâu nhỉ?

- Sudjata về thăm bố mẹ. Nó biếu đấy.

Tôi uể oải nhai bánh, uống chén trà rồi đứng dậy. Tôi bỗng nhớ truyện cổ tích về loài diều hâu. Kiếp trước nó không cho một người sắp chết khát uống nước. Và bây giờ mỗi lần nó uống, nước lại biến thành máu. Vì thế nó phải dùng mỏ để hứng từng giọt nước mưa. Vì cớ gì đó, vì hành động ngu ngốc nào đó ở kiếp trước nên tôi bị tước đoạt sự quan tâm săn sóc của các con mình.

Tôi bước ra cổng. Bên nhà ông Sirisena vọng sang những giọng nói. Sudjata đang dạy con trai gọi ”ông”, “bà”. Đứa trẻ bập bẹ ngọng ngịu, cả nhà cùng cười vui vẻ. Bên nhà tôi trống vắng, chua xót, đơn côi. Tôi bước vào bếp. Bà Suimanavati ngồi tì tay lên má đằng sau chiếc bàn ngổn ngang chưa dọn. Trên lòng bà lão con mèo nhặt ngoài phố về đang nằm co ro, dưới chân con Trenus đang nằm ngủ trên sàn.

Dịch qua bản tiếng Nga
Sông Đà 02.05.1986

Nhận xét