Đàn chim (3)




3

Dạo này buổi chiều Nimal đi học về rất muộn. Nó bảo với mẹ là phải tập luyện để tham gia đội bóng. Đeo đôi giầy trên cổ nó phóng xe tới sát cổng, đèo một thằng bạn ngồi sau. Lát sau thằng bạn về, Nimal rắt xe vào trong sân, áo nó ướt đẫm mồ hôi, bê bết bùn đất, chân tay đầy vết xây xước. Nó ngày càng chững trạc. Năm nay nó chưa đầy mười lăm, vậy mà trông như chàng trai mười tám. Lúc bằng tuổi nó Sarat thấp hơn nhiều.

- Mẹ, con đói lắm rồi. Mệt quá…có chè không mẹ?

- Trước hết đi tắm đi, người toàn mùi mồ hôi. Rồi còn ra cửa hàng chứ.

- Con biết ngay mà, thế nào mẹ cũng sai con đi. Con nói rồi, mệt không đứng nổi nữa.

- Mày không biết xấu hổ à? Thế tao biết sai ai đi bây giờ?

- Con không đi đâu hết. - nó khăng khăng.

- Mua cái gì? - tôi hỏi bà Sumanavati. Vì biết lời qua tiếng lại chẳng ích gì.

- Một gói trà và một hộp sữa.

- Để đấy tôi đi

- Lạ thật, mới hai hôm đã hết sạch hộp sữa.

- Chắc ai uống vụng… chẳng biết đứa nào…

- Không phải con - Nimal gắt lên rồi bỏ vào trong nhà.

Tôi với cái túi mua hàng rồi bước xuống sân. Con Trenus theo ra đến tận cổng, nếu không đuổi vào chắc nó sẽ theo ra đến tận cửa hàng. Từ đằng xa tôi đã nhìn thấy ông Karolis đứng ở tiệm ăn Purasi, mồm ngậm điếu thuốc lá cuốn. Gặp bác ta khéo chẳng dứt ra được, bác ấy sẽ luyên thuyên suốt, vì thế tôi lặng lẽ vòng sang chỗ khác tránh nơi bác đứng, đi về phía phố bán hàng. Karoliss trước kia làm bảo vệ cho một cơ quan, gia đình bác sống trong một ngôi nhà vách đất. Bác có ba đứa con. Đứa út còn ẵm ngửa, đứa lớn mới ba tuổi. Khi nước lũ tràn về, vợ và các con bác ngủ cả trong nhà, và bức tường đất bị nước xói sập đổ xuống họ. Khi xóm làng chạy tới nơi đổ nát, cả bốn người đã chết sặc. Nghe tin, Karolis chạy một mạch về nhà, chính xác là về chỗ trước đây từng là nhà của bác. Và từ đó bác ta điên.

Trên đường về tôi thấy bác ta vẫn đứng chỗ cũ, nụ cười ngây ngô trên khuôn mặt. Hàm răng đen kịt vì bác thường xuyên nhai trầu, râu tóc rậm rạp, bù xù. Chiếc quần cộc và chiếc áo cánh vá chằng vá đụp.

- Karolis! - tôi gọi to.

- À! - mặt bác như bừng tỉnh - Dạo này sống thế nào, ông bạn?

- Lại nhà tôi đi, Karolis - tôi mời - Đến uống trà.

- Cám ơn, cám ơn. Để mai nhé.

Bác ta đều trả lời thế với bất kì ai, dù họ nói bất kì điều gì. Cũng có lần tôi rủ được bác ấy về nhà, cho ăn uống chút gì đó. Còn khi gặp ngoài phố tôi thường mời bác ấy miếng trầu, hay điếu thuốc. Bà Sumanavati cũng hay hỏi thăm “Ông ăn mày Karolis dạo này thế nào rồi?”



Tôi về đến nhà trời đã sập tối, trăng đã mọc trên nền trời. Ánh trăng lấp loáng khó nhọc chiếu qua vòm cây ô liu rậm rạp, đổ bóng xuống những bậc thềm xi măng. Tôi ngả người xuống chiếc ghế, ngáp dài. Dạo này khổ sở vì mất ngủ nên tôi không vội đi nằm ngay, mà thường ngồi ngoài sân đến mười rưỡi, mười một giờ. Trong bếp có tiếng kẹt cửa, lát sau bà Sumanavati bước ra hiên. Bà ấy ngồi xuống bậc thềm, lặng lẽ nhai trầu. Chúng tôi im lặng một lát. Bà Sumanavati bỗng ngoái lại phía sau như để tin chắc không có ai xung quanh. Dưới ánh trăng tôi bắt gặp vẻ bối rối và bất lực trên khuôn mặt vợ.

- Ông biết chuyện gì chưa?

- Chuyện gì?

- Con Malini đã có người yêu.

- Thế à? Đứa nào vậy?

- Nó làm ở Narakhepita.

- Sao bà biết?

- Xung quanh người ta kháo nhau ầm ĩ, vậy mà bố mẹ lại chẳng biết gì - bà Sumanavati trả lời quanh quẩn.

Tới giờ này tôi chưa lúc nào nghĩ thấu đáo chuyện con Malini đến lúc phải lấy chồng. Nó đã hai ba tuổi. Cứ ở lì với cha mẹ chẳng có lợi gì - thể nào cũng sinh chứng này tật nọ. Tính nết các bà cô quá lứa đều giống nhau: hay sinh sự và càu nhàu cả ngày. Mà ai bịt nổi những cái mồm độc địa. Xóm láng sẽ gièm pha: “Kén chọn lắm vào. Giờ chẳng thằng nào thèm ngó”. Có thể bây giờ con Malini phải tự tìm lấy bạn đời vì vợ chồng tôi đã không chú trọng đến chuyện này lúc cần thiết. Bất giác tôi nhớ đến chuyện xảy ra với ông Siba chỗ tôi làm. Ông chẳng quan tâm gì tới chuyện cô con gái đầu lòng, thế rồi một ngày đẹp trời cô bỏ nhà theo một gã lái taxi nào đó.

- Phải tìm hiểu anh chàng này đã - bà Sumanavati cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi. - Xem anh ta người ở đâu, cha mẹ thế nào, rồi sau đó hẵng hay.

- Mình moi móc những chuyện ấy làm gì? Có công ăn việc làm là nó nuôi nổi gia đình. Con Malini chắc thích thằng này. Thế thì việc gì mình can thiệp. Miễn là con hạnh phúc!

- Ông nói nghe chán cả tai. Chẳng lẽ với ông, nhà nó thế nào, họ hàng ra sao cũng được à?

- Bây giờ chỉ có dưới quê họ mới coi trọng chuyện đó. Ở thành phố khác rồi.

- Thôi thì ông muốn làm gì thì làm. - Bà Sumanavati cau mặt nói.

Cả đêm đó tôi không ngủ được. Những điều chưa nói hết với vợ lúc ấy và cả cái tin bà đem ngoài đường về tác động mạnh đến tôi. Tôi đã dự tính sẽ thu xếp cho Malini sau khi Sarat thi xong, không ngờ con bé tự thu xếp lấy việc này. Chỗ tôi làm có cậu Sirisoma thỉnh thoảng cũng tới nhà chơi. Những hôm Malini có nhà cậu ta thường ngồi trò chuyện với nó. Sirisoma là chàng trai đứng đắn, trầm tính và biết tự chủ. Hình như cậu ta cũng mến con Malini. Giá chúng nó nên vợ, nên chồng! Thời buổi này gả chồng cho con gái đâu phải là chuyện đơn giản. Nhất là kiếm được chàng trai tốt. Mà tôi với bà ấy, thật thà mà nói, đâu có phải tháo vát gì chuyện này.

Tôi nhớ hồi Malini còn bé, một lần vào dịp nghỉ hè vợ chồng tôi đem con về thăm ông bà ngoại. Đang chơi ngoài sân, con bé sảy chân vấp ngã, đập mặt vào bậc thềm đá. Tôi đang ngủ trưa bỗng nghe tiếng nó khóc thét, vội chồm dậy lao ra cửa. Malini ngồi bệt dưới đất, mặt bê bết máu. Tôi và Sumanavati thay nhau bế con suốt bốn dặm đường đến bênh viện ở Navanapitiva. Tất nhiên dạo ấy có thể đưa con vào trạm xá địa phương và họ chữa không mất tiền. Nhưng ở đó toàn các bác sĩ xoàng và chúng tôi không dám giao phó con cho họ. Hồi ấy chúng tôi tốn không biết bao nhiêu tiền cho các bác sĩ vì sợ trên mặt con bé sẽ để lại những vết sẹo. Thời ấy từ làng nơi ông
bà ngoại Malini ra thành phố còn chưa có xe bus. Tuần hai lần phải đưa con đi ra bệnh viện cho tới khi khỏi hẳn.

Khi gia đình chuyển về Kolombo, tôi đã bỏ nhiều thời gian chạy vạy bộ giáo dục xin cho Malini vào được trường trung học Visackhava. Nó chỉ học được ở đó một thời gian ngắn. Trước ngày ra trường một năm, người ta ta bắt được trong cặp nó một bức thư tình gửi chàng trai nào đó, thế là bà hiệu trưởng liền đuổi Malini khỏi trường. Nhận được thông báo của trường tôi vội xin nghỉ phép tới đó. Tôi đi hết phòng này tới phòng khác, gặp hết ông nọ, bà kia, lạy lục họ chiếu cố cho Malini, nhưng con bé vẫn không được học tiếp. Điều duy nhất tôi đạt được là họ không phê vào học bạ rằng con bé bị đuổi vì hạnh kiểm xấu. Với lời phê như thế chẳng thể xin cho nó vào học tiếp ở bất kì trường nào.

Kỉ niệm vui buồn về những năm tháng dĩ vãng trở về.

Thế mà giờ đây dường như Malini chẳng coi cha mẹ ra gì. Không cần giúp đỡ hay khuyên bảo. Thậm chí nó chẳng hề nói một lời về chuyện đã tìm được cho mình người bạn đời tương lai. Nó tưởng nó có thể làm mọi thứ theo ý mình.

Tôi luôn đặt vào mỗi đứa con những hy vọng riêng. Có trời mới biết những hy vọng ấy liệu có thành hiện thực không. Nhưng chắc chắn tôi còn chịu nhiều cay đắng. Tôi thở dài, trở mình. Suy nghĩ lắm, nhưng liệu có biết điều gì sẽ đến? Ngày xưa mẹ tôi thường bảo: Điều gì phải xảy ra thì chẳng thể nào tránh được.”. Cả đời tôi gom góp được mười ngàn rupi. Nếu tổ chức đám cưới cho Malini đơn giản, tôi có thể cho con một món hồi môn kha khá.


Một tuần sau tôi đi Maradana mua cho Khitri tập giấy vẽ. Hôm ấy là thứ bẩy và đường về xe bus rất vắng khách - lúc tôi lên, cả tầng hai chỉ có năm người. Thứ bẩy các công sở đóng cửa lúc một giờ nên hành khách đã thưa bớt từ lâu. Tôi ngồi xuống ghế sau. Có nét gì trông quen quen trong tư thế đầu và kiểu tóc của cô gái ngồi cùng một chàng trai ở hàng ghế trước - bỗng nhiên tôi nhận ra Malini. Bối rối và lúng túng tôi quay mặt ra cửa sổ, ngồi im như người điếc. Khi những cái bóng chập chờn trước mắt trở lại thành xe cộ và người vội vã qua đường thì xe bus tới Borela. Tôi liếc nhìn chàng trai đi cùng Malini một lần nữa. Chắc đó là người nó chọn. Tay duỗi dọc thành ghế, đầu ngả về phía Malini, cậu ta đang thì thầm điều gì với nó. Con Malini cúi đầu lắng nghe, đôi vai nó thỉnh thoảng lại rung lên vì tiếng cười cố nén. Nhìn cung cách cũng thấy chúng nó thắm thiết với nhau lắm, với chúng lúc này chẳng còn ai trên đời. Mặc dù chuyến xe này chạy thẳng về tới Velicada, nhưng tôi đành xuống xe ở Borella và chuyển sang chuyến khác. Tôi không hỏi Malini điều gì, cứ để nó tự nói mọi chuyện. Với bà Sumanavati tôi cũng chẳng kể.

Hôm ấy về tới nhà tôi vào ngay phòng mình, nằm xuống và ngủ thiếp đi. Tiếng thằng Khitri đánh thức tôi dậy.

- Ba ơi, dậy ăn cơm.

Nimal, Sarat và Malini đang ngồi ăn. Khitri không ngồi ghế được, phải trải cho nó một tấm thảm con xuống sàn. Lúc tôi ngồi vào bàn, Malini xới cơm vào bát mình và lén nhìn vào đĩa cá đã hết. Tôi gắp khúc cá phần mình bỏ vào đĩa cho nó.

- Sao thế ba? Ba ăn đi chứ.

- Ờ, ba không thích lắm

- Hôm nay thằng Nimal lại đánh nhau - Sarrat mách

- Đúng thế không, Nimal?

- Nó toàn chọc ghẹo mọi người, chẳng chịu yên bao giờ.

- Con làm thế để làm gì? Con muốn bị bắt vào đồn hay sao? Con lớn rồi, Nimal, vậy mà phải giám sát con như đứa trẻ hay sao!

- Lọai ngu thế chẳng cần khuyên giải, cứ trị tới nơi tới chốn - Malini nói bâng quơ rồi đứng dậy.

- Đừng lèm bèm, đồ rắn độc.-– Nimal nổi cáu.

Đã định bỏ đi, con Malini xông vào thằng Nimal, giáng một cái tát. Nimal đập mạnh vào tay Malini rồi xô ghế đứng dậy. Cặp mắt nó nheo nheo, gò má hằn những vệt đỏ. Ai biết sự thể sẽ ra sao nếu bà Sumanavati không đẩy thằng Nimal ra hiên. Giờ tôi chỉ bảo được Khitri, mà đôi khi nó cũng chẳng nghe. Bà Sumanavati biết cách trị con cái, còn tôi thì không. Mỗi khi tôi quát mắng, chúng chỉ cười rồi cuối cùng cơn giận cũng tiêu tan. Tính bà Sumanavati dịu hiền, nhưng khi cần bà ấy rất nghiêm khắc - lúc ấy cứ liệu hồn. Mỗi khi Nimal trơ tráo lấy cắp tiền bỏ ống của Khitri, thằng bé dọa mách tôi, nó liền bảo: “Đấy là vì mày sợ ba, chứ tao thì đừng hòng”. Tôi giả vờ như không nghe thấy vì chẳng biết làm gì. Không đứa nào chịu nghe lời tôi mà tôi không thể giơ tay đánh các con. Gậy gộc chỉ bắt được súc vật nghe lời thôi.

- Ai biết thằng Nimal nhà mình sẽ ra sao? - tôi than thở nỗi lo âu của mình với vợ.

- Cả con Malini cũng vậy. - bà ấy đáp.

- Còn nhỏ mà hư quá. Càng ngày càng cục súc.

- Trăng đến rằm thì trăng tròn. Ông có nhớ bằng tuổi nó con Malini thế nào không. Có lần nó suýt ném cái đĩa vào mặt tôi còn gì. Bây giờ chỉ nghĩ tới chuyện đó nó đã xấu hổ rồi. - bà Sumanavati muốn xua đi nỗi lo âu trong tôi.

Riêng Sarat không hề như Malini hay Nimal. Nó điềm tĩnh, thậm chí có phần lãnh đạm. Hồi chưa học thi, suốt ngày nó ngồi trong phòng mình, loay hoay với đống pin, ắc quy, dây điện. Gầm gường nó xếp đầy những chồng báo và tạp chí khoa học bằng tiếng Anh. Khi học lớp bốn, lớp năm nó đã say mê nghề cơ khí. Còn thể thao hoàn toàn thờ ơ. Tôi chưa hề thấy nó chơi criket. Lúc bé nó chỉ thích chơi đồ chơi dây cót. Nếu ai hỏi về một loại xe hơi, nó nói ngay được sản xuất ở nước nào cùng những chỉ số kĩ thuật. Các bức tường phòng nó dán đầy những bức ảnh xe hơi. Có những cái xe to đẹp như những cung điện bốn bánh. Ngồi trong xe là những quý ông, quý bà da trắng. Nhìn những bức ảnh ấy như thể ngó vào thế giới thần tiên.

Nghề kĩ sư chính là năng khiếu thực sự của Sarat. Không thể nghi ngờ điều đó được.


(Còn nữa)

Nhận xét