Đàn Chim (8)




8.

- Ba ơi, sao nhà mình không chuyển đi nhà khác? Cái nhà này cũ quá rồi - một lần Khitri tuyên bố.

- Chắc mày cũng không thích khi tao với ba mày già đi? Nếu muốn, mày đi tìm chỗ khác, tao với ba mày vẫn ở đây - bà Sumanavati không suy nghĩ bốp luôn.

- Giá mà con đi được, mẹ ạ…

- Nhưng sao con không thích cái nhà này? - tôi cố gắng hỏi thật dịu dàng - Nhà mình đã sống ở đây hơn hai mươi năm. Đây là nơi con sinh ra. Tuy gia đình mình thuê, nhưng coi như nhà mình rồi. Mà khu này yên tĩnh và an ninh tốt.

- Nhưng rồi tới lúc nhà ta buộc phải rời khỏi đây, ba ạ.

- Ừ, nếu buộc phải như vậy. - tôi thở dài.

-Thế mình sẽ dọn đi đâu?

- Về quê. Về nhà mẹ con.

Phải rồi chẳng bao lâu nữa tới lúc phải về quê. Vài năm nữa tôi về hưu, khi đó chúng tôi không trả nổi tiền thuê nhà. Ở lại phỏng ích gì. Hiện giờ một người bà con bên vợ đang ở nhờ ngôi nhà của Sumanavati dưới quê. Thỉnh thoảng chúng tôi về đó và bác ấy biếu gạo, dừa rất hậu hĩ.

Thời gian này tính nết Khitri rất thay đổi. Khó bắt nó vâng lời. Thường xuyên thấy nó soi gương - làm đỏm như sắp đi dạ hội. Thỉnh thoảng nó khe khẽ hát những bài hát trong phim: nào giai nhân, yêu đương và những trái tim tan vỡ. Nó vứt hết các thứ làm trước đây. Những đồ chơi ngộ nghĩnh đã từng làm với bao hứng thú giờ lăn lóc khắp các xó xỉnh. Tôi nhắc nó cái ham thích ngày trước, nó khinh khỉnh gạt đi: ôi dào, trò trẻ con vớ vẩn, chẳng buồn nhớ. Nó lao vào đọc sách. Nhưng trời ạ, sách gì kia chứ! Toàn chuyện tình ái và chém giết. Rồi cả thơ nữa. Bìa sách vẽ đầy những bức tranh nhìn đã thấy khó chịu. Ban đầu tôi tưởng Nimal đem về cho nó đọc, sau mới biết nó kết bạn với mấy con bé và chúng trao đổi sách với nhau. Một lần trong cuốn sách Khitri sắp trả con bé trong hội bạn tôi thấy một mảnh giấy chép những dòng thơ tỏ tình đến mức những sợi tóc thưa thót trên đầu tôi rựng ngược cả lên.

- Tôi không muốn thằng Khitri kết bạn với mấy con bé này - một buổi chiều tôi phàn nàn với bà Sumanavati - Chẳng hay ho gì cả.

- Nó không còn bé nữa.

- Chính vì vậy mà tôi lo lắng. Rồi nó sẽ nhồi nhét vào đầu đủ thứ ngu ngốc như Nimal.

- Nhưng không thể nhốt Khitri trong bốn bức tường - bà Sumanavati phản đối - Tôi không hiểu ông sợ cái gì. Đứa nào ở tuổi nó chả như vậy.

- Thằng Nimal hư hỏng quá rồi. Hôm qua tôi thấy nó ôm con bé nào ngoài phố. Chẳng hề nguợng ngùng. Cứ đà này đến phải cho tôi vào nhà thương điên mất. Con cái mỗi đứa trái khoáy một kiểu. Sarat hai lần thi trượt. Thằng Nimal miệng còn hơi sữa đã đi với gái. Con Malini thích thì làm theo ý mình. Chẳng mấy chốc người ta sẽ trỏ vào mặt tôi với bà – gia đình ấy nuôi dạy con cái tốt thế, nói gì được nữa.

- Ông đừng có nói lung tung! Con nhà mình xấu hơn con nhà khác điều gì? Bọn vô công rồi nghề như Nimal đầy rẫy xung quanh. Còn chẳng lẽ một mình Sarat thi trượt à? Mình đã làm tất cả những gì có thể. Chẳng phải tại số hay sao? Cứ nhìn nhà ông Aratri ấy. Hai đứa con gái bỏ nhà. Nhưng có sao đâu, ông ấy vẫn sống, vẫn khoẻ mạnh. Con Malini tự chọn người yêu. Việc gì phải thất vọng! Mọi chuyện đâu có như ý mình.

- Vâng, bà nói phải.

- Chỉ cần mình hoàn thành nghĩa vụ làm cha mẹ, còn cuộc sống biến chuyển thế nào, ai biết được.

- Ờ, nghĩa vụ làm cha, làm mẹ… Thế con cái chẳng có trách nhiệm gì sao? Ai, nếu không phải là chúng săn sóc tôi với bà khi chúng ta già lụ khụ! Ai sẽ nuôi chúng ta khi đó?

- Ông lẩn thẩn quá - bà Sumanavati rời bậc thềm đứng dậy - Ông đi ngủ đi. Muộn rồi đấy.

Nhà có năm người nhưng đôi khi tôi thấy mình hoàn toàn cô độc. Vì sao tôi có cảm giác đó - chính tôi cũng không biết. Đôi khi tôi thử tưởng tượng điều gì sẽ tới nếu mình đột ngột qua đời. Gánh nặng gia đình sẽ trút xuống đầu bà Sumanavati. Chỉ nghĩ tới chuyện đó tôi đã rùng mình như thấy bóng ma hãi hùng. Tôi tự so sánh mình như con bò già kéo chiếc xe chất nặng hàng. Phải, con bò còn nhẹ nợ hơn. Nó chỉ hoàn thành công việc của nó, không phải đau khổ vì ai, không phải nghĩ tới ngày mai.

Khi trong đầu hỗn loạn những ý nghĩ ấy, tôi có cảm giác mình đang đi theo dấu Karolis. Những ý nghĩ như thế không thể lọt vào đầu một người khoẻ mạnh. Bà Sumanavati nói đúng - cha mẹ phải giúp đỡ con cái nên người, còn chúng lớn lên không như cha mẹ mong muốn cũng đành chịu. Đã lập gia đình, không thể trốn tránh trách nhiệm. Không thể rơi xuống giếng mà không ướt áo quần. 



Hôm lĩnh lương trên đường về nhà tôi rẽ qua phố Maradana. Buổi sáng lúc đi làm bà Sumanavati đưa tôi một tờ giấy liệt kê dài dằng dặc những thứ thực phẩm cần mua. Đã hai năm chúng tôi mua hàng ở cửa hiệu cửa ông Dabliv. Giá ở đó hạ hơn những cửa hàng khác nên rất đông khách. Tôi bước vào cửa hàng, đứng xếp vào hàng người vòng vèo, nhưng ông cửa hàng trưởng nhận ra tôi liền mời lên mua trước. Mỗi lần thấy tôi ông đều bảo nhân viên để tôi vào kho mua mọi thứ mà không cần xếp hàng. Chuyện đó bắt đầu sau lần họ thu tiền hàng thiếu mười rupi, và sáng hôm sau tôi đem trả lại họ số tiền ấy. Lệ khệ với những thứ vừa mua, tôi lộn ra gian hàng bên ngoài và thấy những bộ sari rất đẹp treo trên giá. Tôi bước lại gần. Trước khi kịp định thần suy tính xem tháng này sẽ xoay sở ra sao, tôi đã mua cho vợ chiếc áo sari giá ba lăm rupi. Về sau tôi không hiểu sao mình dám chi một khoản tiền như thế mà không hề đắn đo, không hề đếm những đồng xu cuối cùng.

Khi bà Sumanavati mở túi hàng và thấy bộ áo sari, khuôn mặt bà ấy ửng đỏ. Cố giấu niềm vui, bà ấy nói với vẻ chi li của một bà chủ phải tính tóan từng đồng.

- Tôi già rồi, mặc cái áo đẹp như thế này thật phí. Để cho con Malini.

- Nó có đầy một tủ quần áo rồi.

- Không, không. Mặc bộ này tôi không dám đi ra phố ấy chứ - bà Sumanavati nói tiếp, gấp cẩn thận bộ áo vào trong tờ giấy – Tôi đổi cho con Malini bộ này lấy bộ nào cũ cũ. Vả lại một tháng tôi ra phố không quá ba lần.

Từ tháng trước Sarat bắt đầu đi làm ở hãng Brown. Sáu giờ rưỡi nó đã phải đi, vì thế bà Sumanavati phải dậy sớm hơn để kịp chuẩn bị bữa sáng. Nhà tôi có một chiếc đồng hồ báo thức cũ, nhưng chẳng bao giờ đặt được giờ. Có sáng đổ chuông, sáng không. Tuy thế nhưng bà Sumanavati bao giờ cũng dậy đúng năm giờ. Sarat được phát một chiếc quần soóc và một áo sơmi cộc tay đồng phục. Trên mép túi thêu hàng chữ Brown and company. Sau một tuần chiếc áo cộc tay và chiếc quần đã đầy vết dầu mỡ, bốc mùi xăng tới mức không để trong phòng được.

Hôm lĩnh kì lương đầu tiên Sarat xách về nhà lỉnh kỉnh những gói, những bọc. Nó mua tặng tôi chiếc áo cánh, chiếc quần cộc. Tôi rất cảm kích vì Sarat quan tâm đến mọi người. Nhưng ngày đầu tiên nó đi làm, tôi xót xa vì thất vọng, bước ngoặt trong đời Sarat đã vĩnh viễn đặt dấu chấm hết cho ước mơ muốn con trở thành kĩ sư của tôi.

Nhưng tốt xấu thế nào Sarat cũng đã xin được việc và bắt đầu cuộc đời lao động tự lập. Còn những gì sẽ tới với thằng Nimal nghĩ mà rầu cả ruột. Ở nhà, nói với ai nó cũng rít lên qua kẽ răng. Nó đi chơi suốt - có trời mà biết chơi ở đâu. Thỉnh thoảng lại không về nhà. “Muộn quá, ngủ lại nhà bạn” - nó khinh khỉnh bảo tôi hay bà Sumanavati hôm sau khi ló mặt về nhà. Nó đi học cũng chỉ để chúng tôi khỏi phát khùng. Nhưng chỉ học được một ngày rồi nó bỏ học cả tuần. Nó bán gần hết sách giáo khoa lấy tiền đi xem phim hay mua thuốc lá. Không thể làm gì được.

Có một chuyện không lành xảy ra. Một đứa bạn cùng lớp Nimal bị đâm chết. Thằng đó nghe nói rất bất trị, và gia đình cũng khổ sở vì nó. Sarat kể với chúng tôi là thằng đó bị đưa đi cải tạo mấy lần rồi, nhưng sở dĩ không bị đuổi khỏi trường vì thầy cô sợ nó. Khi Nimal định đi giúp cha mẹ đứa bị giết, tôi can ngăn nó:

- Nimal, con không nên tới đó. Nghe nói ở đó toàn bọn côn đồ. Lúc mai táng con ra nghĩa trang là được rồi.

- Con không thể không đi được. Nó là bạn con.

- Con nghĩ xem. Con giao du với hạng người nào. Chuyện đó dẫn con tới những kết cục không hay đâu. Hay gì chuyện chém giết.

- Nghĩ xem! Dù sao con cũng phải tới đó.

- Thì đi đi! – bà Sumanavati hét đến lạc cả giọng - Đến đấy mà tụ tập. Chỗ đó thích hợp nhất với mày đấy.

- Khỏi lo. Tôi cũng chẳng ở nhà ông bà lâu nữa đâu. - Nimal lẩm bẩm đáp.

- Mày nhắc lại mày vừa nói cái gì! Nói to lên cho mọi người nghe!

- Tôi nói mọi người nghe rõ cả rồi.

- Câm mồm, Nimal! Mày xéo đâu thì xéo! - một cơn giận dữ, uất ức và mệt mỏi bất ngờ xâm chiếm lấy tôi. Những chuyện như thế này bây giờ diễn ra thường xuyên - Mày đã đủ khôn lớn để tự chịu trách nhiệm về hành động của mày, và…

Nhưng bà Sumanavti ngắt lời tôi. Lần này bà ấy nhẹ nhàng nói, bởi thế nghe càng xót xa.

- Sao mày hành hạ tao với ba mày? Chúng tao đã nuôi nấng, chăm sóc mày. Còn mày trả ơn như thế đấy.

- Cha mẹ phải có trách nhiệm với con cái - nó thách thức đáp - nếu ông bà thấy nuôi con vất vả quá, thì nên nghĩ trước và đừng sinh chúng ra trên đời này.

- Chúng tao đã hoàn thành nghĩa vụ, Nimal. Mày hãy khắc cốt ghi tâm điều này: Chúng tao chỉ được học tiểu học và phải vào đời kiếm sống. Đến khi ra thành phố đâu có được học tiếp đến trung học. Chúng tao có lỗi gì với mày? Mày đã phải bỏ nhà đi vì đói bao giờ chưa? Chưa chứ gì. Những gì cần, chúng tao đã làm. Và nếu mày đâm đầu vào con đường lầm lạc, thì chính mày có lỗi.

- Phải, chỉ tôi đi con đường lầm lạc. Thế đã sao? Con Malini ôm ấp thằng Vidjesundura đi khắp thành phố kia kìa. Mà nó có cưới cho không - có trời mà biết. Mọi người làm ngơ chuyện đó. Còn tôi hễ làm gì là chộp ngay lấy. Tôi…

- Tốt nhất mày nhìn lại mày đi, đừng bới móc chuyện người khác - bà Sumanavati ngắt lời nó.

Nimal quay ngoắt người bước ra hiên, đi thật nhanh qua sân ra cổng. Tay nó vung vung trong không khí như đang tiếp tục cãi nhau với chúng tôi.

Hai ngày sau nó mới trở về.

(Còn nữa)

Nhận xét