Đàn chim (6)




6.

Trong đời tôi bắt đầu một thời kì ảm đạm. Liên tiếp xảy đến những chuyện buồn khổ. Tôi tự an ủi mình trên đời này đâu chỉ mình tôi đau khổ. Nhưng ý nghĩ ấy không giúp được bao nhiêu. Không thể đánh lừa bản thân được.

Suốt mấy hôm tôi và bà Sumanavati cố gắng thuyết phục Sarat thi lại một lần nữa. Thất bại của Sarat chưa kịp nguôi ngoai đã có chuyện khác làm vợ chồng tôi lo lắng - thằng Nimal. Dạo này nó chỉ về nhà ăn cơm tối. Chúng tôi khuyên bảo hay quát mắng, nó cũng chẳng thèm nghe. Không còn coi cha mẹ ra gì. Nhắc nó lông bông thế đủ rồi, phải chú tâm vào học tập - cũng chỉ nước đỏ đầu vịt, mà đánh nó thì không được - nó lớn rồi. “Con voi điếc không biết nghe nhạc” - bà Sumanavati đành tự nhủ. Có lần khi giặt quần áo, bà ấy thấy trong túi nó có mấy điếu thuốc lá. Một lần khác, khi rẽ vào quán ăn Purasini mua bánh mì, tôi bắt gặp Nimal đang cầm điếu thuốc trên tay. Thấy tôi nó giật mình, vội vàng lẻn qua cửa sau ra phố. Tôi vờ như không thấy. Nhưng một khách hàng lắc đầu:

- Cậu con trai bác đấy, Nadasena Makhataia. Con với cái! Thấy bố, chạy mất.

Tôi đỏ mặt.

Ngay chiều hôm ấy tôi quyết định nói chuyện nhẹ nhàng với Nimal

- Con lấy tiền đâu ra để hút thuốc?

- Con có hút đâu.

- Nhưng chính mắt ba nhìn thấy con cầm điếu thuốc trên tay!

- Sao lúc đó ba không bảo

- Im đi. Nghe ba nói đây.

- Có chết con mới im.

Không để ý đến cái giọng xấc xược của nó, tôi tiếp tục:

- Nimal, con chưa nên hút thuốc. Nếu muốn khoẻ mạnh, cường tráng, con đừng hút nữa.

Nimal cúi mặt. Nó bối rối vì tôi không chửi mắng, không quở trách mà chỉ nhẹ nhàng khuyên bảo. Tự tôi cũng thấy mình có lỗi với Nimal. Nói gì thì nói, vợ chồng tôi cũng ít chú ý đến nó. Cho dù ở khía cạnh nào đấy thì điều này cũng dễ hiểu. Ở sở về tôi mệt muốn chết, còn bà Sumanavati thì xuốt ngày không rời việc bếp núc. Chúng tôi có quá nhiều việc phải làm, quá nhiều việc phải lo lắng. Nhưng dù sao cha mẹ vẫn phải chịu trách nhiệm về con cái. Chúng có làm điều gì xấu, người ngoài sẽ bảo: “Bố mẹ nó dạy bảo có ra gì đâu”

- Bây giờ con về muộn nhất nhà đấy! Ba chẳng khi nào thấy con học bài - suốt ngày lêu lổng. Sắp sửa xung quanh người ta chỉ ba mẹ bảo: “Cha mẹ gì họ cơ chứ!” Điều đó không quan trọng. Vấn đề là con tiếp tục sống thế nào? Sau này con làm gì để sống?

Tôi nghĩ Nimal sẽ nhăn nhó bỏ đi như mọi lần, nhưng nó vẫn đứng yên tại chỗ, đầu cúi thấp, chân di di trên mặt đất. Vẻ bối rối của nó làm tôi cảm kích. “Nó đâu đến nỗi nào - tôi thầm nghĩ - cùng với thời gian những chuyện này sẽ qua thôi”

Quả thực, không thể nói toàn điều xấu về Nimal. Nó rất cởi mở. Cánh bán hàng trên phố Velikada rất thân với nó. Đi đâu cùng Nimal cũng nghe thấy: “Nimal, cậu đi đâu đấy?”, “Nimal đấy à? Lâu lắm không thấy cậu”, “Hôm nay rẽ vào nhà mình chơi Nimal nhé!”. Nếu hàng xóm chúng tôi có công việc gì, bao giờ họ cũng nhờ Nimal. Nếu không nhờ tự nó cũng tới giúp căng phông cưới hay trang trí nhà cửa. Lúc cần đưa ai đi viện, Nimal nhanh chóng đi kiếm taxi. Lái xe chưa bao giờ từ chối nó. Có thể mạnh dạn nói Nimal được mọi người quý mến. Tôi chưa thấy ai nhận xét xấu về nó, và khi nhà tôi có công việc gì cần giúp đỡ, nó chỉ nhờ một tiếng lập tức có cả chục đứa bạn kéo tới. Đã mấy lần tôi thấy không riêng gì lũ bạn nó, mà cả những người lớn chỉ nhà tôi và bảo: Nhà Nimal đấy. Cậu ấy chơi bóng tuyệt vời.”


Để Sarat được phép thi lại phải nộp tám mươi rupi. Nhưng lấy đâu ra? Tất nhiên, ở sở có thể vay tạm ứng trước hai trăm rưởi, và trong vòng một năm họ trừ dần vào lương mỗi tháng hai lăm rupi. Không trả không được.

Cuộc sống càng ngày càng khó khăn. Cách đây ba hôm tôi lại phải vay tiền Malini. Tháng trước thì lấy ở ống tiết kiệm của Khitri mười rupi. Vợ tôi không cho rút tiền ở sổ tiết kiệm.

Bà Sumanavati từ trong nhà bước ra, ngồi xuống bậc thềm ximăng. Bà ấy đem chiếc áo sơmi cũ của tôi ra vá. Chiếc áo ấy đã vá nhiều. Bà ấy thường đem giặt những chiếc áo cũ rách, vá lại rồi cất vào tủ.

- Thế bao giờ Sarat thi?

- Tháng Chín. Muộn nhất là ngày kia phải nộp tiền. Tám chục rupi.

- Tám chục. Lấy đâu ra!

- Tôi cũng đang nghĩ đến chuyện ấy đây. Đến phải rút tiền tiết kiệm thôi.

- Chẳng lẽ không còn cách nào khác?

- Không! Tôi nghĩ chẳng có cách nào khác.

- Đem cầm chỗ vòng xuyến của tôi được không ông? Một khoản kha khá đấy. Mình chuộc lại sau.

Bà Sumanavati có rất ít đồ trang sức. Chỗ nữ trang bọc trong mảnh vải sạch cất trong tủ - một chuỗi hạt, hai vòng vàng và một đôi hoa - là của hồi môn của bà ấy. Suốt thời gian chung sống tôi không mua nổi cho vợ dù chỉ một chiếc nhẫn nhỏ. Dù bà Sumanavati rất thờ ơ với nữ trang, nhưng tôi không thể chấp nhận lời đề nghị của bà ấy. Không lí do gì buộc tôi phải đem cầm những vật quý. Tuy thế tôi hiểu nỗi lo âu của vợ. Bà ấy sợ nếu chúng tôi rút tiết kiệm một lần, lần sau sẽ không dừng lại được.

Bóng tối đã phủ dầy. Bà Sumanavati vá áo xong, đi vào nhà. Một chiếc taxi dừng lại ở cổng. Tôi nhướn lên, nhìn thấy Malini cầm một gói nhỏ bước xuống xe. Cửa xe đóng sập lại. Chiếc taxi vọt đi. Chắc Malini cùng nguời yêu đi xem phim hoặc đi mua sắm về.

- Sao Vidjesundura không vào chơi? - tôi hỏi Malini khi nó bước lên hiên.

- Anh ấy bảo có việc bận. Anh ấy đang vội, ba ạ.

- Giá nó rẽ vào chơi một chút. Ngồi nói chuyện. Mà dạo này nó trầm tính thế nào ấy.

- Anh ấy hơi kín đáo, ba ạ. Có khi hàng giờ cậy miệng chẳng nói một câu.

Một dạo Vidjesundura hay lui tới nhà tôi, Malini thường kể chuyện cậu ta với mẹ. Mỗi lần vào bếp, nó ngồi xuống cạnh bếp lò và tán dương người yêu của mình: “Anh Vidjesundura hiền và tốt lắm. Như một đứa bé to xác ấy. Chẳng biết cáu bao giờ. Anh ấy đã mua đất ở Battaranulla và đang chuẩn bị xây nhà”. Bà Sumanavati vừa say hạt tiêu, hoặc làm bánh vừa lắng nghe Malini ba hoa, khuôn mặt bà rạng rỡ nụ cười bình an, hạnh phúc.

Tuy vậy tâm trạng của tôi không được vui. Đã gần bốn tháng kể từ lần Vidjesundura tới chơi, gia đình tôi vẫn chưa gặp họ hàng cậu ta. Đã bao lần tôi nói chuyện này với bà Sumanavati, nhưng bà ấy chẳng hề lo lắng. Mọi chuyện tốt cả! Nhưng bỗng nhiên mẹ thằng Vidjesundura không đồng ý cho cưới? Lúc đó biết làm gì với Malini? Một bận sau bữa cơm chiều tôi hỏi thẳng:

- Thằng Vidjesundura đã viết thư báo mọi chuyện cho mẹ nó chưa?

- Anh ấy bảo chưa cần.

- Tất nhiên là chưa quá cần. Nhưng cũng nên biết mẹ nó có đồng ý hay không khi sự việc chưa đi quá xa. Bốn tháng rồi mà nhà mình đã gặp mẹ nó đâu.

- Nếu ba yêu cầu, con sẽ nhắc anh ấy chuyện đó. Con sẽ bảo là ba đang lo sợ. Có điều ba đừng nghĩ xấu. Anh ấy là người trung thực. Không nên đánh giá ai cũng như ai.

- Nhưng lỡ nó là kẻ láu cá? - tôi cảm thấy mình nói gì không phải, nhưng không dừng lại được - Con mới quen nó. Mà để hiểu một người, chỉ nhìn mặt anh ta chưa đủ. Chắc gì họ cũng nghĩ như mình.

- Nếu ba nghi ngờ anh Vidjesundura như thế, con sẽ bảo anh ấy không tới đây nữa - Malini ôm mặt oà khóc - Ba khơi chuyện đó làm gì? Con không muốn lấy chồng! Không muốn! Thà chết già còn hơn.

- Malini, con đừng giận - tôi đấu dịu. Nhưng ngay sau đó như ma xui quỷ khiến tôi lại tiếp tục - Ba không định nói nó rắp tâm lừa con. Nhưng không phải lúc nào cũng tin được bọn con trai. Một phút rồi lỡ làng. Lường trước có hại gì đâu.

- Ông thôi đi cho tôi nhờ - bà Sumanavati bực bội nói - Để chuyện đó cho tôi và Malini.

Malini vẫn khóc.

- Con Trenus sủa ai kìa - Sarat nói xen vào

- Nimal, ra xem ai ngoài đó.

- Ông Karolis!

Tôi đi ra cổng, đuổi con Trenus vào và thấy Karolis. Ngồi bệt trên vỉa hè, bác ta đang lấy đoạn dây thép nhể gót chân.

- Sao thế, Karolis?

- Dằm đâm.

- Nào, bác đưa tôi xem.

Nhưng không có kính tôi chẳng thấy gì.

- Đi vào hiên nào. Bác vứt cái dây thép ấy đi kẻo làm toạc chân ra đấy.

Karolis đứng dậy, bám vào tay tôi khập khiễng bước lên hiên. Nimal đỡ bác ta ngồi xuống bậc thềm, rồi đặt bàn chân bác lên đầu gối mình, nó xem xét gót chân. Bàn chân đen nhẻm đầy bùn đất. Nimal vào nhà bê chậu nước ra, nó rửa sạch bùn đất, rồi nhể cái dằm, sau lấy giẻ sạch băng lại. Suốt thời gian ấy ông Karolis nhìn Nimal không chớp mắt, đôi môi run run như thể bác sắp oà khóc.

- Thế nào? Còn đau không?

- Khỏi rồi.

Karolis đứng dậy

- Ở đây uống trà đã. Tôi đun nước rồi.

- Mai tôi đến - Karolis lẩm bẩm rồi lê bước ra cổng.



Con gái ông Sirisena - hàng xóm nhà tôi sắp lấy chồng. Ông ấy nhờ bà mối kén rể. Ông Sirisena là công chức nhà nước, mới về hưu năm ngoái. Dù cả đời sống ở thành phố nhưng ông ấy gắng giữ những tục lệ cổ truyền. “Tôi không chấp nhận mấy cái thứ mốt mới này. Vẽ vời, kiểu cách quá. Không biết nên vui hay buồn nữa” - mấy lần ông ấy bảo tôi như vậy. Chỉ có hai, ba gia đình được mời tới dự lễ cưới. Thằng Nimal giúp ông Sirisena quét vôi lại các bức tường. Trước ngày cưới tôi cũng dọn dẹp lại khoảng sân chung. Trong số hàng xóm gia đình tôi thân nhất với ông Sirisena. Ông ấy là người đứng đắn, sẵn lòng giúp đỡ mọi người. Bà vợ là người đôn hậu. Bà ấy hay quan tâm tới Nimal. Mỗi khi sang chơi nhà họ, cô con gái Sudjata tiếp đón rất niềm nở: “Bác Nandasena, bác ngồi xuống đã. Bác uống nước đi.” Khi gặp ngoài đường, không có chuyện nó đi thẳng mà bao giờ cũng chạy tới hỏi chuyện nhà, chuyện công việc. Bà Sumanavati rất quý nó. “Gặp con bé một lần là cả ngày thấy vui” – bà ấy thường bảo vậy.

Tôi và bà Sumanavati được mời đi dự lễ cưới. Nhưng vì không để Khitri ở nhà một mình nên vợ tôi không tới. Đám cưới tổ chức giản dị, khách khứa khoảng mười, mười hai người là bạn bè và họ hàng, khi đưa cô dâu về nhà chồng tất cả ngồi vừa hai chiếc xe con.

Thời gian này dù làm gì, ở đâu tâm trí tôi cũng luôn bị ám ảnh bởi kì thi sắp tới của Sarat. Ngồi trên ô tô chạy qua đền chùa, hay cây đa linh thiêng, tôi đều đứng dậy thầm khấn trời phật phù hộ cho Sarat. Trước khi đi ngủ tôi thỉnh cầu thần linh giang tay giúp đỡ cho con.

Sarat thường học tới một giờ đêm, có hôm tới hai giờ. Buổi tối vợ tôi pha café đựng vào phích rồi mang vào phòng con trai. Sau đó bà ấy ra ngoài hiên ngồi nhai trầu. Có khi bà ấy lại quay vào phòng Sarat, don dẹp những quyển sách để trên bàn.

- Quyển này là sách gì thế con?

- Hoá vô cơ.

- Mẹ chưa nghe cái khoa học này bao giờ.

- Mẹ đi ngủ đi – Sarat nói chẳng mấy dịu dàng - Mẹ đi đi lại lại làm gì, ích gì đâu.

- Ừ, mẹ đi đây. – bà Sumanavati đồng ý, vẻ phục tùng

(Còn nữa)



Nhận xét