Những giọt lệ yếu mềm




Lẽ nào điều đó làm tôi rên rỉ cay đắng, không nguôi ngoai đến thế trong mơ? Có chuyện gì? Tôi làm sao thế này? Bất hạnh ấy xảy ra như thế nào?.. Những ai đã không còn bên tôi, những ai tôi xót thương đến buốt lòng, và còn những ai tôi sẽ không bao giờ thấy trên đời? Rồi tôi gọi, tôi nài nỉ họ đến bên mình với hy vọng duy nhất được thấy lại những khuôn mặt ruột thịt hằng trông ngóng. Tôi khát khao thấy lại những người mình yêu thương, những người mình đã buồn rầu tiễn đưa suốt quãng thời gian gần quên lãng của một đời đằng đẵng. Từ hoang vắng xáo động hiện về khuôn mặt của mẹ đông cứng trong quan tài, lúc ở ngoài nghĩa trang khuôn mặt ấy làm sửng sốt vì vẻ đẹp trẻ trung còn lưu lại trong kí ức tôi suốt đời. Tôi biết mẹ yêu tôi, cậu con cả của mẹ, yêu đến ganh tị, và tôi yêu mẹ bằng tình cảm tận tuỵ của đứa con trung thành sẵn sàng đem “lòng quả cảm của lính ngự lâm” bảo vệ mẹ trước mọi hiểm nguy. Tôi là một cậu trai mạnh mẽ, được dạy bảo bởi người cha nghiêm khắc, để giúp mẹ việc nhà, tôi hăng hái bổ củi, vác từ kho chứa vào nhà đốt lò sưởi, có khi còn tự nguyện cọ sàn các phòng căn hộ chung cư của gia đình tôi ở Matskova, đến nỗi mẹ mỉm cười dịu dàng mắng yêu: “Thôi nào, sao con phải làm? Cứ để đấy cho mẹ…”

Khi tôi ra trận, mẹ hôn tôi với đôi môi lạnh giá, nhìn vào mặt tôi mẹ bảo: “Mẹ không sống nổi nếu con không về …”. Những lời ấy tôi mang theo suốt cuộc chiến và thần hộ mệnh đã bảo vệ tôi trong những trận chống tăng kinh hoàng nhất, ân sủng ấy chỉ phải đổi bằng ba lần bị thương, thần đã ra ơn giữ lại cuộc sống cho tôi để lúc từ chiến trường về, tôi thấy mẹ úp mặt trong đôi bàn tay, yết ớt lần xuống từng bậc thang, không dám nhìn tôi, mẹ thều thào: “Con, con…đấy ư?.. Có đúng con không?..”.

Tôi sải bước về phía mẹ, đỡ mẹ trên bậc thềm: “Mẹ, con đây mẹ”, - mẹ ngã vào vòng tay tôi, rung lên những tiếng nấc nghẹn ngào. Và cứ thế, má kề má, hai mẹ con bước trên hành lang, đứng giữa cánh cửa căn hộ mở toang bố đang chờ, râu cạo chỉn chu, tóc muối tiêu, trong chiếc áo khoác không đeo dây treo quần, ông giang tay ôm lấy hai hai mẹ con. Tôi nhớ ông còn đùa: “Chào con, trung uý ngự lâm. Bố biết số mệnh sẽ không phản bội con và cha con mà, thấy không. Nào, hôn cha đi, chàng sĩ quan cận vệ! Còn mẹ, chuẩn bị cho chàng trung uý và ông trung tá này thứ gì uống chứ nhỉ!”

Nhưng khi chiến trận đã đi qua số phận lại không bảo vệ cha, người đàn ông dũng cảm, tự tin, khoẻ mạnh thể chất, trong cảm nhận của tôi cha yêu cậu út mười hai tuổi Valeri hơn tôi, và cái chết của cậu ấy làm cả nhà gục ngã. Em chết dưới bánh chiếc xe tải năm tấn, quả bóng đá bay vào gầm chiếc xe từ một cú sút không chính xác trong trận bóng của tụi con trai dưới lòng đường gần trường. Valery cố cứu bóng nhưng không thể.

Cha bị đột quỵ tim, ông ra đi sau một tuần nằm trong bệnh viện. Cơn bão chết chóc đổ xập xuống nhà tôi. Chập chờn trong giấc ngủ hiên về cái ngày tang tóc chôn cất cha, không biết tại sao giữa những bông hoa tôi chỉ thấy khuôn mặt như thạch cao của cha, lạ lẫm, lạnh lùng, như thể biết nhiều điều những người khác không biết hoặc không thể biết, lúc ấy tôi có cảm giác khuôn mặt ấy của thế giới cổ đại, với cái khóe miệng cứng rắn của người La Mã – khuôn mặt cha trong kí ức tôi là như thế.

Trong chiến tranh tôi đã từng thấy nhiều khuôn mặt người chết: chúng in dấu cơn đau hành hạ trước lúc chết, hoặc tiếng rên cắn chặt trong hàm răng vào giây phút cuối cùng, hoặc như tôi hình dung, nét thanh thản tràn đầy của một con người đã quá mệt mỏi vừa chìm sâu vào giấc ngủ.

Khuôn mặt Valeri, cậu em mười hai tuổi vô tình chết dưới bánh xe ôtô, lại in dấu một điều hoàn toàn khác, dường nó như không tin vào sự bất ngờ của cái chết: “Mình nhanh nhẹn thế kia mà, mình dũng cảm, mình đã kịp chộp quả bóng đó, nhưng ai lại nỡ dối mình? Để làm gì chứ?”

Không kìm nổi dòng nước mắt nghẹn ngào, nhớ đến những người ruột thịt, những người mình thương yêu nhất trong giấc mơ, tôi cố hiểu điều gì đang diễn ra với mình và tại sao lại là đêm ấy.

Từ lúc còn nhỏ tôi đã không biết, không học cách khóc, tôi chỉ sa sầm mặt, cắn chặt răng và bỏ đi như thể đó là nỗi đau của ai khác, và khi những người lính trong đại đội tôi lần lượt hy sinh trong những trận đánh khốc liệt nhất và khi cổ họng nghẹn thắt vào những giây phút không thể chịu đựng nổi, mỗi chúng tôi trong ý nghĩ thầm từ giã cuộc đời mình, không một lời cầu xin, van nài số phận.

Tôi đoán trong tâm hồn tôi từng tồn tại cái trường học của cha, từ thuở nhỏ người đã truyền cho tôi những quy tắc đàn ông: “Hãy cứng rắn lên, anh bạn nhỏ, con là đàn ông đấy”. Nhưng giờ đây, trong giấc mơ, tôi, đã già, đã bạc tóc, đã trải nghiệm nhiều điều, lại tuyệt vọng cảm nhận những giọt nước mắt nóng bỏng, yếu mềm tắc nghẹn trong cổ họng, đến độ chỉ biết thầm thì một từ duy nhất “mẹ ơi”, từ ấy đã cứu tôi suốt bốn năm chiến trận.

Lẽ nào lúc cuối đời tôi một lần nữa lại phải chia xa mẹ, cha, em Valery, không phải theo cái cách đã tiễn họ ra ngoài nghĩa trang. Tại sao suốt cuộc đời này tôi cứ cố cưỡng lại cảm xúc mất mát không chịu đựng nổi dù không đủ sức để quên bất cứ điều gì. Tôi quá yêu thương họ, bởi thế đêm ấy tôi chẳng biết làm gì với mình trước cơn xúc động tràn dâng vây kín tôi.

Lẽ nào lần đầu tiên trong đời tôi biết khóc nóng bỏng và không nguôi ngoai đến thế? Phải chăng tôi khóc cho chính mình? Và tiếc nuối muôn đời những gì không quay trở lại?

Dịch từ Ghi chép cho riêng mình của Iuri Bondarev

Nhận xét

  1. xúc động quá anh NHÂN Ạ!
    Và em...xl vì "đọc trộm" câu chuyện của anh và bác MỘC! _lại cảm động nữa (k biết dùng từ gì cho chính xác hơn từ cảm động)_tình bạn của 2 ng đàn ông!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Có lẽ cảm xúc của em tràn đầy hơn sau khi đọc THƯ GỬI CHA bên nhà Mộc.

      Xóa

Đăng nhận xét