Những lối đi dưới hàng cây tăm tối


Truyện ngắn của Ivan Bunin (nguyên bản tiếng Nga ở đây) 

Một ngày thu xấu trời lạnh lẽo, trên một con đường cái xứ Tula ngập đầy nước mưa và nhằng nhịt những vết xe đen đúa, cạnh ngôi nhà gỗ dài, với một bên là trạm thư, một bên là phòng trọ, nơi ta có thể dừng lại nghỉ ngơi, ngủ qua đêm, ăn một bữa hay gọi một ấm samovar, người ta thấy tiến lại một chiếc xe ngựa vấy bùn, mui dương nửa chừng, ba con ngựa kéo gồm toàn những con ngựa rất bình thường, đuôi bị buộc lại tránh văng bùn. Trên ghế xà ích là một người nông dân vạm vỡ mặc chiếc áo dạ dày thắt chẽn lưng, khuôn mặt rám đen, nghiêm nghị với bộ râu thưa đen nhánh trông giống như tướng cướp ngày xưa, bên trong xe là một lão quân nhân đội chiếc mũ lưỡi trai to, mặc áo choàng sĩ quan thời hoàng đế Nikolai có cổ đứng bằng lông hải ly, cặp lông mày ông hãy còn đen, nhưng hàng ria mép đã bạc nối với chòm râu má cùng mầu; cằm cạo nhẵn và toàn bộ vẻ ngoài của ông hao hao giống hoàng đế Aleksander II, một kiểu bắt trước phổ biến trong giới quân nhân thời ông vua này trị vì; cái nhìn của ông vừa dò hỏi, nghiêm khắc và đồng thời vừa mệt mỏi.

Khi ngựa dừng lại, thò một bên chân đi ủng nhà binh cổ bằng ra khỏi xe, ông dùng đôi tay đeo găng da nai mềm khép tà áo khoác, rồi nhảy lên bậc thềm nhà.

- Ở bên trái, thưa ngài - từ trên ghế người xà ích cục cằn hét theo. Còn ông, hơi cúi người ở ngưỡng cửa bởi thân hình cao lớn, bước vào trong sảnh, rồi rẽ sang căn phòng bên trái.

Trong phòng ấm áp, khô ráo và dễ chịu: một bức tượng thánh mạ vàng còn mới đặt góc trái, bên dưới kê một chiếc bàn trải khăn sạch sẽ, ngay ngắn, xung quanh là những chiếc ghế được lau chùi sạch sẽ; bếp lò ở góc phải đằng xa trắng lốp mầu vôi mới; gần đó một thứ đồ như kiểu đi văng, trên phủ những tấm chăn loang lổ, kê tựa vào một bên lò; từ tấm chắn lò toả ra mùi soup thơm ngào ngạt, mùi bắp cải nhừ, mùi thịt bò và lá gia vị.

Vị khách cởi áo khoác quẳng lên chiếc ghế dài, trông ông càng cân đối hơn khi chỉ mặc độc bộ quân phục và đi ủng, ông bỏ găng tay và mũ, rồi đưa bàn tay gầy nhợt nhạt vuốt tóc vẻ mệt mỏi, - một mái tóc bạc với những lọn tóc mai hơi xoăn ở cuối đuôi mắt, một khuôn mặt thon đẹp với đôi mắt mầu sẫm thoáng những vết rỗ hoa. Trong phòng không có ai, ông bèn hé cửa buồng ngoài, cáu bẳn hét:

- Này, có ai không!

Ngay lập tức bước vào phòng một phụ nữ tóc đen, lông mày cũng đen và cũng còn đẹp so với tuổi của mình, chị giống một phụ nữ di gan luống tuổi với hàng lông tơ sẫm mầu trên mép và hai bên má, chị nhẹ nhàng trong dáng đi, nhưng đẫy đà với cặp vú to dưới lần áo khoác mầu đỏ và cái bụng tam giác của ngỗng cái dưới tấm váy len đen.

- Vui mừng được chào đón ngài - chị ta nói - Ngài dùng bữa hay đặt ấm samovar uống trà ạ?

Người khách liếc nhìn đôi vai tròn rồi đôi chân nhẹ nhàng dận đôi giầy tatar đỏ sờn rách của chị, trả lời nhát gừng, chẳng lấy gì làm nhã nhặn:

- Samovar. Chủ nhà hay đầy tớ đấy?

- Tôi là chủ nhà, thưa ngài.

- Tự cai quản à?

- Đúng thế ạ. Tôi tự cai quản.

- Sao lại thế? Gái goá hay sao mà phải tự kinh doanh?

- Thưa ngài, không phải gái goá, nhưng cũng phải kiếm sống chứ ạ. Với lại tôi cũng thích việc kinh doanh.

- Ra thế, ra thế. Tốt đấy. Chỗ này sạch sẽ, dễ chịu đáo để.

Suốt thời gian đó người phụ nữ luôn nhìn ông bằng vẻ xét nét, mắt nheo nheo.

- Tính tôi cũng thích sạch sẽ ạ - chị đáp – Chẳng lẽ lớn lên giữa các ông lớn mà lại không biết cư xử lịch thiệp hay sao thưa ông Nikolai Alekseievich.



Ông đứng phắt người, mở to mắt, và đỏ mặt.

- Nadejda! Em đấy à? – ông hấp tấp nói.

- Tôi đây, thưa ông Nikolai Alekseevich - chị đáp.

- Trời đất ơi, trời đất ơi - vừa thả người xuống ghế và đăm đăm nhìn chị, ông nói – Nào có ai ngờ! Bao nhiêu năm rồi ta không gặp lại nhau? Phải tới ba chục năm rồi nhỉ?

- Ba mươi năm, ông Nikolai Alekseevich ạ. Tôi giờ bốn mươi tám, còn ông dễ gần sáu chục rồi ấy nhỉ?

- Đại khái thế… Trời đất ơi, kì lạ quá.

- Cái gì kì lạ, thưa ông?

- Mọi chuyện ấy…Em còn không hiểu sao!

Nỗi mệt nhọc và thái độ lơ đãng của ông đã biến mất, ông đứng dậy và quả quyết bước đi trong phòng, mắt nhìn xuống sàn. Rồi ông dừng lại, cả cái đầu đỏ rực dưới mầu tóc bạc, ông mở lời:

- Ngay từ dạo ấy tôi bặt tin em. Làm sao em lại trôi dạt tới đây? Sao em không ở lại với các ông lớn?

- Ngay sau khi ông đi các vị ấy đã cho tôi được tự do.

- Rồi sau đó em sống ở đâu?

- Chuyện dài lắm, thưa ông.

- Em vừa nói là không lấy chồng?

- Không, thưa ông

- Tại sao vậy? Hồi đó em đẹp lắm mà?

- Tôi không thể làm thế được.

- Sao lại không? Em định nói gì vậy?

- Có gì phải giải thích đâu. Chắc ông còn nhớ tôi đã yêu ông đến chừng nào.

Ông xấu hổ đến phát khóc, mặt nhăn lại ông tiếp tục sải bước.

Mọi chuyện rồi sẽ qua, anh bạn ạ - ông lẩm bẩm - Tình yêu, tuổi trẻ - tất cả, tất cả. Chuyện đời luôn là vậy. Mọi chuyện sẽ qua cùng năm tháng. Sách Iovo nói thế nào nhỉ? “Điều mi hồi tưởng như giòng nước đã trôi xuôi”

- Ai thế nào cũng tuỳ ý Chúa, ông Nikolai Alekseevich ạ. Tuổi trẻ nào rồi cũng qua, nhưng tình yêu thì khác.

Dừng bước, ông ngẩng đầu lên và cười khẩy một cách bệnh hoạn:

- Dù sao em cũng không thể yêu tôi suốt đời được!

- Thế mà có đấy. Bao nhiêu thời gian trôi qua, tôi vẫn chỉ một lẽ sống ấy thôi. Tôi cũng biết rằng từ lâu ông không còn như trước nữa, rằng đối với ông dường như chẳng có chuyện gì xảy ra, vậy mà… Giờ trách móc tuy đã muộn, nhưng quả thật ông đã ruồng bỏ tôi thật tàn nhẫn, nhiều lần chỉ vì nỗi hận ấy tôi đã định tự tận, đừng nói gì đến những nỗi niềm khác. Thật ra, ông Nikolai Alekseevich, một thời tôi gọi ông là
Nikolenka đấy, còn ông gọi tên tôi thế nào chắc cũng chưa quên? Ông còn đọc cho tôi nghe bài thơ về “những lối đi hàng cây tăm tối” nữa chứ - Chị nói thêm với nụ cười cay độc.

- Ôi, hồi đó em đẹp thế! – ông nói, lắc lắc đầu – Em nồng nàn, tuyệt vời thế!Dáng em, mắt em! Em có nhớ mọi người nhìn em thế nào chứ?

- Tôi còn nhớ, thưa ông. Cả ông cũng rất đẹp. Vì thế tôi đã dâng hiến cho ông sắc đẹp của tôi, tình yêu cháy bỏng của tôi. Làm sao quên được điều đó.

- Chao ôi! Mọi sự đều đi qua. Mọi sự đều lãng quên

- Mọi sự đều đi qua, nhưng không phải mọi sự đều lãng quên cả đâu

- Em đi đi – ông nói rồi quay mặt đi, tiến lại gần cửa sổ - Em đi đi, tôi xin em.

Rút chiếc khăn tay ấp lên mắt, ông nói nhanh:

- Miễn sao Chúa tha thứ cho tôi. Còn em chắc hẳn đã tha thứ cho tôi rồi.

Đã bước ra tới cửa, chị bèn dừng lại:

- Không, ông Nikolai Alekseevich ạ, tôi không tha thứ đâu. Một khi đã nói tới chuyện tình cảm của chúng ta, tôi xin nói thẳng: tôi không bao giờ có thể tha thứ cho ông. Hồi ấy cũng như sau này, với tôi ông quý giá nhất trên đời. Chính vì vậy mà tôi không thể tha thứ cho ông được. Nhưng mà thôi, nhớ lại làm gì, có ai mang người chết ra khỏi nghĩa địa đâu.

- Phải, phải, chẳng ích gì. Em gọi xe ngựa lại đi – ông đáp, đoạn rời khỏi cửa sổ, nét mặt nghiêm nghị trở lại – Có một điều tôi phải nói với em: trong đời này tôi chưa bao giờ có hạnh phúc, xin em đừng nghĩ thế. Xin lỗi có thể làm em tự ái, nhưng tôi xin nói thật: tôi đã yêu vợ tôi say đắm, nhưng nàng đã phản bội tôi, ruồng rẫy tôi một cách nhục nhã hơn nhiều cách tôi ruồng rẫy em. Tôi yêu quý con trai, đặt bao nhiêu hy vọng vào nó! Thế mà lớn lên nó trở thành thằng đểu cáng, hoang toàng, càn rở, tàn tệ, táng tận lương tâm… Mà thật ra đó cũng là chuyện thường tình của thế gian này. Mạnh khoẻ nhé, bạn thân mến. Tôi nghĩ mình đã đánh mất trong em thứ quý giá nhất đã có trong đời.

Chị tiến lại, hôn tay ông, và ông cũng hôn tay chị.

- Em bảo đưa xe ngựa tới đi…



Khi đã tiếp tục hành trình ông nhăn nhó nghĩ ”Phải, hồi đó cô ta đẹp thật! Đẹp đến mê hồn!” Ông hổ thẹn nhớ lại những lời nói cuối cùng của mình và việc hôn tay chị, nhưng rồi chính ông, ngay lập tức lại hổ thẹn về nỗi hổ thẹn của mình. “Chẳng phải chính nàng đã đem lại cho mình những giây phút đẹp đẽ nhất trong cuộc đời này sao?”

Mặt trời nhợt nhạt ngả về chiều. Người xà ích cho xe chạy nước kiệu, liên tục đổi vệt xe, cố lựa vệt đường ít bùn bẩn, anh ta cũng đang mải ngẫm nghĩ điều gì đó. Cuối cùng với vẻ nghiêm túc thô kệch anh ta nói:

- Thưa ngài, lúc mình đi, bà ấy đứng ở cửa sổ nhìn theo mãi. Chắc ngài biết bà này từ lâu.

- Lâu lắm rồi, Klim ạ.

- Bà ta thông minh đáo để. Thấy bảo ngày càng giầu. Tiền vào như nước.

- Điều đó chẳng nghĩa lý gì.

- Sao lại chẳng nghĩa lý gì! Ai chả muốn sống khấm khá! Nếu có tâm, chẳng có gì xấu tất. Mà bà này á, thấy bảo biết điều lắm. Nhưng không phải tay vừa đâu! Không đúng hẹn thì cứ là mình làm mình chịu.

- Phải, mình làm mình chịu…Anh ruổi ngựa nhanh kẻo lỡ tầu đấy …

Mặt trời xuống thấp toả ánh sáng vàng vọt lên những cách đồng trống trải, mấy con ngựa dập vó đều đặn qua những vũng nước. Ông dõi nhìn những chiếc móng ngựa loáng thoáng, nhíu cặp mày đen, nghĩ:

“Phải rồi, mình làm mình chịu. Phải rồi, đó dĩ nhiên là giây phút đẹp nhất. Không phải chỉ đẹp nhất, mà là thần tiên nhất! “Tứ phía tầm xuân nở hoa đỏ thắm, song lối đi vẫn tăm tối dưới những hàng cây âm u…” Nhưng trời ơi, chuyện đó rồi thế nào? Sẽ ra sao nếu như mình không ruồng bỏ nàng? Vô lí quá! Cái cô Nadejda đó sẽ không phải là bà chủ của quán trọ, mà là vợ ta, là bà chủ của ngôi nhà của ta ở Peterburg, là mẹ của các con ta?”

Nhắm nghiền mắt, ông lắc đầu.

20 tháng Mười 1938 

Nhận xét